Tăng tốc phát hiện ca nhiễm lao mới

- Thứ Hai, 01/03/2021, 06:37 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia y tế, ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trên toàn thế giới giảm 25% và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Những ca bệnh lao tiềm ẩn chưa được phát hiện sẽ là nguồn lây nhiễm ra cộng đồng. Vì vậy, cần tăng tốc phát hiện các ca bệnh nhiễm lao mới; chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức, hiểu biết của người dân nhằm hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Triển khai hiệu quả chiến lược 2X

Lao là bệnh lý truyền nhiễm nên dễ lây lan thành diện rộng, khó kiểm soát, thậm chí ngay cả khi phòng ngừa cẩn thận, người khỏe mạnh vẫn có thể lây lao phổi từ người bệnh thông qua tiếp xúc một hoặc nhiều lần. Các vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp và phát triển thành bệnh, làm tổn thương phổi, hệ hô hấp, gây nguy hiểm cho người bệnh nếu kéo dài và không được điều trị đúng cách. Người mắc bệnh lao nếu giấu bệnh sẽ dẫn tới nguy cơ lây lan bệnh cho những người xung quanh và cộng đồng.

	Nâng cao kiến thức và ý thức phòng tránh lao để bệnh nhân không giấu bệnh
Nâng cao kiến thức và ý thức phòng tránh lao để bệnh nhân không giấu bệnh

Đánh giá về công tác phòng chống lao thời gian qua tại Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cho biết, hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, 75% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Hiện tại, công nghệ mới, thuốc mới, cách tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Để có thể phát hiện được nhiều ca mắc lao, Dự án USAID SHIFT và Chương trình Chống lao Quốc gia đã triển khai chiến lược “2X” (Xquang-Xpert) phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay.

Chiến lược 2X đã phát hiện tích cực các ca mắc lao tại cơ sở y tế và phát hiện chủ động ca lao và lao tiềm ẩn trong cộng đồng trên 18 huyện thuộc 7 tỉnh, thành phố với kết quả rất khả quan, 1.761 ca lao có bằng chứng vi khuẩn và 3.102 ca lao tiềm ẩn được phát hiện chỉ trong 10 tháng triển khai. Bệnh nhân sau khi được chẩn đoán mắc lao sẽ được điều trị miễn phí thuốc chống lao, đối với tất cả các thể lao.

Theo Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, nhờ triển khai chiến lược 2X có thể phát hiện sớm ca bệnh và các nguồn lây của bệnh lao; nếu tìm ra hết các ca bệnh và điều trị để hết nguồn lây lan thì có thể chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam. Không chỉ có giá trị trong phát hiện các ca mắc lao máy Gene Xpert còn có tác dụng hiệu quả trong xét nghiệm Covid-19. Gene Xpert bản chất là xét nghiệm Real-Time PCR, có nhiều ưu điểm như hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động từ khâu tách chiết, trộn đến phân tích, thời gian rút ngắn chỉ còn trong vòng 45 phút và không hề có sự can thiệp của con người. Với phương pháp này, con người chỉ can thiệp chủ yếu là khâu lấy và vận chuyển mẫu.

“Hệ thống xét nghiệm Gene Xpert gồm 218 máy đặt tại các địa phương của Chương trình Phòng chống lao sẵn sàng tham gia xét nghiệm Covid-19 khi có yêu cầu. Đây sẽ là một phương pháp mới nhanh chóng, hiệu quả, phát hiện sớm người mắc Covid-19” - PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cho biết thêm.

Nâng cao ý thức phòng bệnh

Trên thực tế, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11/30 nước có số người bệnh lao cao nhất toàn cầu. Tỷ lệ bệnh nhân lao bỏ điều trị tiếp tục ở mức cao (15,3%) và luôn ở mức cao trong các năm gần đây. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát được duy trì ở mức 85,1%, đạt chỉ tiêu của WHO, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu Chương trình Chống lao Quốc gia đã đề ra là hơn 90%.

Vì vậy, hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, cần tăng tốc phát hiện các ca bệnh nhiễm lao mới. Để điều trị khỏi bệnh lao và kiểm soát bệnh, cách tốt nhất là tiêm vaccine ngay từ tháng đầu tiên chào đời. Cùng với đó, nâng cao ý thức phòng bệnh, kiến thức về bệnh lao, để người bệnh lao không giấu bệnh, đi khám và điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ.

Cần có sự vào cuộc kịp thời của Bộ Y tế cùng các ngành, các cấp tại từng địa phương. Đặc biệt, chú trọng đa dạng hóa công tác truyền thông, tuyên truyền để dễ dàng tiếp cận tới người bệnh. Điển hình như Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam năm vừa qua đã phát huy tốt hiệu quả huy động cộng đồng trong công tác phòng chống lao, phát hiện lao sớm, hỗ trợ sinh kế cho bệnh nhân. Mô hình “Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao; tư vấn hỗ trợ người mắc lao điều trị theo DOTS” đã tư vấn, giúp đỡ 619 người tìm hiểu về bệnh lao, vận động 280 người nghi mắc lao đi khám và phát hiện 27 ca mắc lao mới trên địa bàn tỉnh. Mô hình “Mehealth - hỗ trợ điều trị bệnh lao qua tin nhắn điện thoại di động” đã hỗ trợ 896 bệnh nhân, giám sát hỗ trợ 960 trường hợp; mô hình “Hỗ trợ bệnh nhân lao, lao kháng thuốc và theo dõi sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân tại những điểm có tỷ lệ bỏ trị cao” đã giám sát, hỗ trợ 3.000 người và cán bộ Hội Nông dân các cấp trực tiếp thăm 3.000 lượt bệnh nhân.

Thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần tăng cường phối hợp với các ban, ngành chức năng địa phương, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống lao, lao kháng thuốc. Hỗ trợ người nghi mắc lao, khám sàng lọc phát hiện lao sớm để điều trị đúng phác đồ, phòng tránh lây lan, tránh tư tưởng kỳ thị, xa lánh người mắc lao. Đồng thời, phối hợp vận động, hỗ trợ bệnh nhân trong dùng thuốc và theo dõi sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân lao; động viên, giúp đỡ người bệnh tự tin, yên tâm điều trị đủ thời gian theo phác đồ để đẩy lùi bệnh lao.

Hoàng Yến