Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Tăng trưởng phụ thuộc vào việc hỗ trợ doanh nghiệp

- Thứ Hai, 08/11/2021, 04:39 - Chia sẻ
Năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5%. Nhiều ý kiến e ngại mục tiêu này khá cao trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid - 19, song Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong PHÙNG ĐỨC TÙNG cho rằng vẫn có thể đạt được nếu có chính sách hỗ trợ tốt giúp doanh nghiệp phục hồi.

Chúng ta không thể "đóng cửa" mãi!

- Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Chính phủ xác định mục tiêu đầu tiên là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân…”, ông nghĩ sao? 

- Đây là mục tiêu hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta không thể “đóng cửa” mãi, bởi hệ lụy rất lớn: sản xuất bị đình trệ, lưu thông bị đứt gãy, người lao động thiếu việc làm, không có thu nhập…

Việc triển khai “thích ứng an toàn, linh hoạt" cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, trơn tru trong cả nước, tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

Muốn vậy, phải xác định rõ nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm cho từng cấp, ngành, từ Trung ương xuống địa phương; không đổ hết trách nhiệm cho các cấp ở bên dưới. Về phía Bộ Y tế, dù đã đưa ra các tiêu chí song cần rõ ràng, cụ thể hơn với các giải pháp cho từng mức độ ứng phó bảo đảm cho cấp dưới thực hiện dễ dàng, nhanh chóng. Đặc biệt, cần được số hóa, cập nhật kịp thời để có tầm nhìn tổng quan, rõ ràng cho từng địa phương trong công tác phòng chống dịch.

- Năm tới, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%, theo ông có khả thi không?

- Với nền tảng tăng trưởng GDP năm nay rất thấp, chỉ khoảng 2%, mục tiêu Chính phủ đặt ra có khả thi hay không phụ thuộc rất lớn vào việc làm sao để các doanh nghiệp phục hồi, tức là phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, các ngành như du lịch, dịch vụ, hàng không chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19. Rất nhiều doanh nghiệp du lịch phá sản, cả những doanh nghiệp lớn cũng rơi vào cảnh thua lỗ. Còn với hàng không, nếu không trở lại trạng thái bình thường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc di chuyển của con người lẫn hàng hóa và như thế sẽ khó phục hồi kinh tế.

Mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2022 vẫn có thể đạt
Nguồn: ITN

Liên kết vùng giúp lan tỏa phát triển ­

- Chính phủ đang xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch. Theo ông, Chính phủ cần lưu ý điều gì?

- Tôi cho rằng đây phải là chương trình hỗ trợ đồ sộ, với quy mô chưa từng có ở nước ta. Như thế mới đủ sức tác động tích cực đến việc khôi phục và phát triển kinh tế. Muốn vậy, Chính phủ cần lưu tâm hai vấn đề sau.

Đầu tiên, Chính phủ cần xác định đâu là ưu tiên quan trọng nhất và cần làm sớm nhất. Đó là phải hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ nên mạnh dạn đề xuất Quốc hội miễn đóng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và phí công đoàn cho doanh nghiệp trong 2 năm tới, bởi hiện việc đóng các khoản này chiếm khoảng 34,5% tổng quỹ lương của doanh nghiệp và nguồn tiền kết dư từ các quỹ này đang rất lớn. Hay với các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch và có tác động lớn tới phát triển kinh tế như du lịch, hàng không, cần có chính sách hỗ trợ ưu tiên cho doanh nghiệp trong ngành.

Thứ nữa, nhìn từ việc triển khai các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng hay 26.000 tỷ đồng vừa qua cho thấy, năng lực triển khai của hệ thống còn rất hạn chế. Đây là vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay. Chính phủ cần thiết kế gói hỗ trợ đơn giản, đến đúng đối tượng, triển khai nhanh chóng và minh bạch, bảo đảm nâng cao năng lực của hệ thống bộ máy trong việc triển khai gói hỗ trợ.

- Thúc đẩy phát triển liên kết vùng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được Chính phủ xác định trong năm 2022. Theo ông, làm thế nào để đạt được điều này?

- Từ trước tới nay, Việt Nam có chỉ tiêu rất xấu là chi phí logistics trên GDP cao, tức là không hiệu quả trong hệ thống phân phối, vận chuyển hàng hóa. Nguyên nhân một phần do hạ tầng chưa phát triển, mặt khác do việc kết nối giữa các vùng chưa hiệu quả. Khi có sự liên kết vùng sẽ giúp lan tỏa phát triển kinh tế giữa các vùng cũng như cả nước.  

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm quy hoạch phát triển vùng. Nếu thiết kế tốt có thể giải quyết phần nào mối liên kết giữa các vùng, gắn kết các vùng với nhau để cùng phát triển.

Ngoài ra, thời gian qua có tình trạng ách tắc ở các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu. Điều này liên quan trực tiếp đến lợi ích của các tỉnh có những hạ tầng này, khi thu được nguồn thuế xuất nhập khẩu rất lớn nên không muốn san sẻ cho địa phương khác. Để tạo ra sự liên kết vùng, giữa các địa phương, cần phân bổ lại nguồn thu từ xuất nhập khẩu. Theo đó, nguồn thu này cần được chuyển về Trung ương, sau đó phân bổ lại cho các tỉnh, khi đó sẽ không còn lợi ích của tỉnh và sẽ giúp vận chuyển hàng hóa tối ưu.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện