Xử lý vi phạm phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Tăng ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân

- Thứ Bảy, 29/05/2021, 05:56 - Chia sẻ
Trong khi cả nước căng mình chống đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, một số hành vi vi phạm như: Không đeo khẩu trang, che giấu, không khai báo hoặc gian dối khai báo y tế không kịp thời hiện trạng bệnh, gây lây bệnh cho người khác của người được thông báo mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh đã được thông báo cách ly; đưa người nhập cảnh trái phép… vẫn xảy ra bất chấp quy định pháp luật. Điều này, đòi hỏi ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Công an TP. Ninh Bình lập biên bản, xử lý hành chính các đối tượng không đeo khẩu trang nơi công cộng

Thiếu ý thức, trách nhiệm gây hậu quả lớn

Có thể thấy chỉ trong một thời gian ngắn, số ca bệnh dương tính với Covid-19 đã tăng lên đáng kể, chỉ tính riêng tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang trong vòng 1 tháng qua đã ghi nhận hơn 3.000 ca mắc. Trong số này, có nhiều ca mắc ngoài cộng đồng. Một trong những nguyên nhân là do sự thiếu ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch của một bộ phận người dân trong việc tuân thủ nghiêm quy định về giãn cách, thực hiện đeo khẩu trang, khai báo y tế... Đơn cử, ca bệnh số 2.899 tại Hà Nam do không tuân thủ quy định cách ly tại nhà, vẫn tiếp xúc với người khác, hệ quả để dịch bệnh lây lan cho nhiều người. Hay một chủ thẩm mỹ viện có lịch trình đi lại nhiều nơi dày đặc, khi đã có lệnh tạm dừng việc tập trung đông người nhưng vẫn tổ chức họp hành hội nghị với hàng chục người khiến hàng chục nhân viên và khách hàng nhiễm bệnh; hoặc một công nhân đã có triệu chứng ho, sốt cả tuần liền vẫn tự đến nhà thuốc mua thuốc uống, vẫn đến nơi làm việc, phòng máy lạnh, có nhiều người khiến hơn 30 ca nhiễm Covid-19 có liên quan đến ổ dịch này.

Cùng với việc thiếu trung thực trong việc khai báo y tế, còn có không ít cá nhân, tổ chức đã vi phạm quy định trong phòng chống dịch như: Tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam; trốn khỏi các khu cách ly tập trung; không tuân thủ quy định cách ly tại nhà; nhiều người vẫn vô tư ra ngoài không đeo khẩu trang, nhiều tổ chức vẫn bất chấp quy định, tụ họp đông người dẫn đến hệ quả nhiều người bị mắc bệnh Covid -19. Trường hợp ổ dịch tại Hội thánh truyền giáo PH tại TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình do không tuân thủ đúng quy định về khoảng cách an toàn.

Chưa hết, hàng loạt các loại tin giả, thông tin sai sự thật về công tác chỉ đạo phòng chống dịch như: “Tuần sau là mốc quan trọng: Chúng ta có tầm 4-6 ngày để nó chuyển giai đoạn từ 75 lên mức 100-500 ca! và có khoảng 12 ngày để lên 1.000-5.000 ca!... (Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam)... Thông tin này, ngay sau đó được không ít người đăng tải, chia sẻ khiến một phận không nhỏ người dân cảm thấy lo lắng, bất an, ảnh hưởng không nhỏ đến việc kiểm soát tình hình dịch bệnh của cơ quan chức năng.

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch ngày 7.5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm, kể cả đối với cán bộ, công chức nhà nước, không nể nang, né tránh vì đây là công tác liên quan sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Đây là lần thứ 4 dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nước ta. Tính tới thời điểm hiện tại, cả nước đã ghi nhận thêm nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trước bối cảnh đó, để chủ động ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, hầu hết các địa phương đã chủ động tăng cường các hình thức tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cụ thể, tại Bắc Ninh - một trong những tỉnh đang hết sức căng thẳng và phức tạp với số ca bệnh mắc Covid-19 được ghi nhận tăng từng ngày, từ đầu tháng 5 đến nay, thực hiện yêu cầu của lãnh đạo tỉnh về việc thực hiện các bước thực hiện giãn cách xã hội; dừng tất cả các hoạt động không thiết yếu, tụ tập đông người…; hạn chế việc di chuyển của người dân, lực lượng cảnh sát đã quyết liệt, ra quân đồng bộ trên tất cả các địa bàn, tuyến đường. Kết quả, từ ngày 5.5.2021 đến nay, Công an các đơn vị trên địa bàn đã phối hợp với các lực lượng chức năng lập biên bản, xử phạt hơn 400 trường hợp vi phạm phòng, chống dịch Covid - 19, trong đó có tới 395 trường hợp không đeo khẩu trang; 6 cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về phòng, chống dịch...

Tương tự tại Đà Nẵng, từ ngày 4.5.2021 đến nay, lực lượng chức năng thành phố đã đồng loạt ra quân, kiểm tra, nhắc nhở và kiên quyết xử phạt nhiều trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Điển hình, qua công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch, lực lượng chức năng quận Ngũ Hành Sơn đã xử phạt  hành chính 15 triệu đồng và thu hồi giấy phép kinh doanh đối với quán karaoke Xuân Tùng Gold, tại địa chỉ 161 Ngũ Hành Sơn; hay quận Cẩm Lệ cũng đã xử phạt 1 quán cà phê 15 triệu đồng vì không thực hiện cam kết tạm dừng kinh doanh và xử phạt 8 trường hợp khác với số tiền 16 triệu đồng. Ngoài ra, các hành vi bị xử phạt nhiều nhất trên địa bàn này từ đầu tháng 5 đến nay vẫn là tụ tập đông người, không thực hiện cam kết tạm ngừng kinh doanh, vi phạm về cư trú, tệ nạn xã hội, không chấp hành cách ly, đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 và không đeo khẩu trang...

Tại Hà Nội, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND về “Tăng cường thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới”, những ngày qua lực lượng Công an các địa phương đã rốt ráo, ra quân vừa kiểm tra, vừa tuyên truyền, nhắc nhở tới người dân, các cơ sở kinh doanh mặt hàng ăn uống, cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Đáng chú ý, lực lượng Công an cũng đã có những xử phạt nghiêm đối với nhiều trường hợp không đeo khẩu trang khi ra đường; không ít đường dây đưa người nhập cảnh trái phép đã bị phát hiện, xử lý nghiêm không chỉ bằng hình thức phạt tiền, mà còn bị đề nghị truy tố trước pháp luật.

Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, tại nhiều địa phương khác như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk... cũng làm rất quyết liệt, mạnh tay, “không có vùng cấm” xử lý vi phạm trong công tác phòng chống dịch. Thậm chí có địa phương ra quyết định cách chức, tạm đình chỉ chức vụ lãnh đạo xã để xem xét trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid - 19 khi để xảy ra ổ dịch trên địa bàn.

Thiết nghĩ, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe, giáo dục chung là việc làm cần thiết, đúng đắn, nhưng cũng là việc bất đắc dĩ. Điều lớn hơn, quan trọng hơn, cần thiết nhất mà chúng ta cần hướng đến chính là ý thức của mỗi người dân trong cuộc chiến chống dịch càng phải nâng cao hơn để bảo vệ cộng đồng và cũng chính là bảo vệ bản thân mình, gia đình mình. Do đó, các địa phương, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền để giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác cho người dân về phòng chống dịch, qua đó chấp hành nghiêm quy định.

Bài và ảnh: H. Thanh- T. An