Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026:

Tạo ấn tượng tốt ngay từ lần đầu tiếp xúc cử tri

- Thứ Ba, 20/04/2021, 06:29 - Chia sẻ
Ngay khi danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được công bố, người ứng cử sẽ tiến hành tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Việc làm thế nào để "lọt" được vào "mắt xanh" của cử tri ngay trong lần gặp gỡ, tiếp xúc đầu tiên là mối quan tâm chung của rất nhiều ứng cử viên, nhất là những người lần đầu tiên tham gia ứng cử.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh và các đại biểu tại hội thảo
Ảnh: Thanh Chi

Chuẩn bị tốt trước khi vận động bầu cử

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Khóa XIII Nguyễn Thanh Thụy cho biết, hoạt động tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định thành công đối với người ứng cử. Bởi lẽ, đây là dịp để cử tri đánh giá thực chất năng lực, trình độ cũng như sự gắn kết với cử tri, Nhân dân của mỗi ứng cử viên, từ đó quyết định lựa chọn, bỏ phiếu để ứng cử viên nào trở thành đại biểu dân cử. Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, vận động bầu cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Việc tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong vận động bầu cử có những điểm khác biệt so với việc tiếp xúc cử tri của đại biểu sau khi đã trúng cử. Lưu ý vấn đề này, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thị Thu Trang nêu rõ, trước hết, mục đích tiếp xúc cử tri ở đây là để vận động cử tri ủng hộ, bỏ phiếu cho mình nên mọi cố gắng, nỗ lực của ứng cử viên đều phải tập trung cho mục đích này.

Đối với người lần đầu ứng cử, do chưa có kỹ năng nên phần lớn các ứng cử viên cảm thấy khó khăn, lúng túng, vì vậy cần trang bị cho mình một số kỹ năng cơ bản, cần thiết. Chia sẻ kinh nghiệm tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, bà Phạm Thị Thu Trang nhấn mạnh, kỹ năng tiếp xúc cử tri thể hiện đậm nét dấu ấn cá nhân của ứng cử viên trên nhiều phương diện: Thái độ, phong cách, trình độ, năng lực ứng xử, năng lực sử dụng ngôn ngữ, tinh thần trách nhiệm… Cử tri sẽ đánh giá ứng cử viên từ những chi tiết nhỏ nhất như diện mạo, trang phục, cách trình bày đến những vấn đề lớn như trình độ, năng lực đại diện. Do đó, sẽ là sai lầm nếu quan niệm hoạt động tiếp xúc cử tri vận động bầu cử là hoạt động "đến hẹn lại lên", chỉ cần thực hiện theo kế hoạch, đại biểu đến chỉ cần đọc báo cáo đã chuẩn bị sẵn và cầu thị ngồi nghe, ghi chép ý kiến phát biểu của cử tri.

Theo bà Phạm Thị Thu Trang, muốn thực hiện vận động bầu cử hiệu quả, trước hết ứng cử viên phải chuẩn bị cho mình tâm thế thật tốt, nhằm tạo được ấn tượng tích cực trước cử tri ngay trong lần đầu tiếp xúc. Việc xây dựng hình ảnh trước cử tri khi vận động bầu cử là phần việc rất quan trọng. Trong các hội nghị tiếp xúc cử tri, số cử tri đến gặp ứng cử viên được mời có tính đại diện. Cử tri sẽ nghe và quan sát hoạt động vận động bầu cử của ứng cử viên và truyền đạt đến nhiều cử tri khác. Vì vậy, ứng cử viên cần chú ý tìm hiểu người nghe (công chúng) nơi tiếp xúc cử tri; tìm hiểu một số vấn đề về cuộc tiếp xúc (như thời gian, địa điểm buổi tiếp xúc; thời gian trình bày của mình; thời gian tiếp thu câu hỏi; thứ tự trình bày; phương tiện hỗ trợ trình bày…). 

Tính chất đặc biệt của hoạt động tiếp xúc cử tri thể hiện ở chỗ đây là hoạt động giao tiếp giữa cử tri (người gửi gắm sự tín nhiệm) với đại biểu (người được tín nhiệm). Do đó, ứng cử viên phải có kỹ năng tạo ra môi trường giao tiếp cởi mở, gần gũi trên cơ sở ý thức gắn bó, chia sẻ. Đây là vấn đề mà các ứng cử viên cần lưu ý để đạt hiệu quả trong hoạt động tiếp xúc cử tri, bởi trên thực tế tình trạng "hành chính hóa" hoạt động tiếp xúc cử tri diễn ra khá phổ biến. Lưu ý vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội dày dạn kinh nghiệm cho rằng, việc tìm hiểu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, các ý kiến, kiến nghị, đề đạt từ phía cử tri để phản ánh đến các cơ quan chức năng bàn biện pháp giải quyết cũng hết sức quan trọng, nhưng vì chưa phải là đại biểu chính thức nên vấn đề này không phải là nhiệm vụ bắt buộc đối với ứng cử viên. Tuy vậy, các ứng cử viên không nên coi nhẹ vấn đề này mà cần thể hiện quan điểm tiếp thu và có lời hứa sẽ thực hiện khi được cử tri bầu làm đại biểu chính thức.

Tận dụng tối đa hiệu quả của báo chí và truyền thông

Với 10 năm hoạt động tại cơ quan dân cử, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương nêu rõ, việc ứng cử viên xây dựng hình ảnh khi xuất hiện trước giới báo chí và giữ mối quan hệ chặt chẽ với báo chí trong quá trình vận động bầu cử là rất cần thiết, quan trọng và được pháp luật thừa nhận. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2015 đã dành chương VI, gồm 7 điều từ Điều 62 đến Điều 68 quy định việc tuyên truyền, vận động bầu cử. Tại Điều 65, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định có hai hình thức vận động bầu cử là: “gặp gỡ tiếp xúc cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử” và “thông qua phương tiện thông tin đại chúng”. Báo chí và các phương tiện truyền thông là cầu nối hữu ích giữa ứng cử viên và cử tri. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải ứng cử viên nào cũng biết cách tận dụng tối đa hiệu quả của báo chí và truyền thông trong việc lan toả thông điệp, hình ảnh của ứng cử viên tới cử tri.

Việc ứng cử viên xuất hiện trên các kênh thông tin truyền thông để vận động bầu cử là cơ hội để ứng cử viên trình bày chương trình hành động nhằm vận động cử tri bỏ phiếu cho mình. Hơn nữa, khi đã trúng cử, việc thể hiện quan điểm trước báo chí còn là cách để xây dựng uy tín, hình ảnh đại biểu dân cử; tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; phản biện xã hội trong hoạch định chính sách. Từ kinh nghiệm nhiều lần tiếp xúc với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Phương cho biết, ông thường xuyên nhận được lời đề nghị phỏng vấn của báo chí, kể cả những đề nghị “bất thình lình” và có những cuộc hẹn phỏng vấn đại biểu có thời gian để chuẩn bị trước. Với những cuộc hẹn phỏng vấn không cần thực hiện ngay, đại biểu nên đề nghị phóng viên gửi câu hỏi trước để chuẩn bị nội dung trả lời cho thấu đáo. Ngoài ra, cũng có những lần đại biểu buộc phải từ chối đề nghị phỏng vấn của báo chí, truyền thông. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết thêm, trong cả ba trường hợp trên, nếu làm tốt đều là việc làm có ý nghĩa để xây dựng hình ảnh của đại biểu khi xuất hiện trước phương tiện thông tin đại chúng và quan hệ với báo chí, đồng thời gây được ấn tượng, cảm tình, niềm tin của cử tri. Vì vậy, các ứng cử viên cần luôn suy nghĩ thận trọng, tránh hậu quả thông tin bị lợi dụng gây ảnh hưởng đến niềm tin, uy tín của bản thân.

Nhật An