Hà Nội:

Tạo chuyển biến rõ rệt về quản lý tài nguyên - môi trường

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 01:04 - Chia sẻ
Làm việc với Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện một số bộ, ban, ngành liên quan về một số nội dung lớn trong công tác quản lý tài nguyên - môi trường trên địa bàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị: Mỗi vấn đề phải được phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, quy trình. Trên cơ sở đó, thúc đẩy việc giải quyết, phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 tạo ra được chuyển biến rõ rệt về quản lý tài nguyên - môi trường trên địa bàn.

Kiến nghị cơ chế đặc thù cho thành phố

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN - MT) Nguyễn Trọng Đông cho biết: Trước nhu cầu cấp bách của công tác bảo vệ môi trường, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31.5.2017 về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Sau một thời gian triển khai thực hiện, bước đầu thành phố đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt khu vực ngoại thành đạt 89%, nội thành đạt 100%; thu gom chất thải y tế đạt 100%. 9/9 khu công nghiệp, 26/43 cụm công nghiệp, 100% bệnh viện tư nhân và 26/28 bệnh viện do thành phố quản lý có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Từ tháng 12.2016, thành phố đã đưa vào vận hành 11 trạm quan trắc không khí tự động…

Về lĩnh vực quản lý đất đai, thành phố đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối. Tính đến ngày 20.4.2020, 100% thửa đất cần cấp Giấy chứng nhận đã được đăng ký kê khai; 100% thửa đất đủ điều kiện đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1.355.510 thửa); việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,21%...

Lãnh đạo ngành TN - MT thành phố kiến nghị Chính phủ, Bộ TN - MT có cơ chế đặc thù như bổ sung hình thức đầu tư BT, xác định lại đơn giá để thu hút nhiều nguồn lực xã hội trong xử lý ô nhiễm môi trường; xem xét ủy quyền cho thành phố phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án nhóm A trên địa bàn đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; đề xuất cơ chế và quy định chi tiết giữa thành phố với các bộ, ngành, địa phương khác để thực hiện hiệu quả các chương trình bảo vệ môi trường, nhất là các vấn đề môi trường liên tỉnh như ô nhiễm không khí và quản lý các lưu vực sông liên tỉnh (sông Nhuệ - Đáy, sông Bắc Hưng Hải)…


Toàn cảnh buổi làm việc  
Ảnh: Khánh Duy

Quan tâm đến hoạt động của cán bộ quản lý đất đai

Tại buổi làm việc, đại điện ngành chức năng đã trả lời rõ một số kiến nghị của thành phố. Cụ thể, với kiến nghị về hệ thống sông Bắc Hưng Hải, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN - PTNN) Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ đã có kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, nâng cấp hệ thống này để nâng cao năng lực cung ứng cho sản xuất nông nghiệp và giảm thiểu ô nhiễm. Về vấn đề sông Nhuệ - Đáy, Bộ đã có dự án nạo vét giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 Bộ cũng đã có kế hoạch. Tới đây, Bộ sẽ làm việc cụ thể với thành phố để lên phương án chi tiết, tháo gỡ một số khó khăn, nhất là liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Đối với khu vực bãi ven đê sông Hồng, Bộ NN - PTNT đã có nghiên cứu, sớm có phương án tháo gỡ cho thành phố.

Liên quan đến kiến nghị cho phép thí điểm một số cơ chế đặc thù như thành phố Hồ Chí Minh về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Bộ trưởng Bộ TN - MT Trần Hồng Hà cho biết: Sẽ báo cáo để Chính phủ xem xét, kiến nghị cho áp dụng chung trên cả nước. Trước mắt, Bộ sẽ trình Chính phủ cho phép Hà Nội thực hiện như thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định coi việc giải quyết những vướng mắc của Hà Nội về TN - MT là nhiệm vụ chính. Đồng thời, đề nghị Hà Nội cần quan tâm đến hoạt động của cán bộ quản lý đất đai từ cấp phường xã, tránh sự nhũng nhiễu, lãng phí.

Giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm

Từng bước giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm liên quan đến ngành TN - MT, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị: Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự Đảng bộ Bộ TN - MT phối hợp ban hành thông báo chung, xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất được nêu tại cuộc làm việc. Trong đó, mỗi vấn đề phải phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, quy trình để đạt hiệu quả cao nhất. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2020, tạo ra được chuyển biến rõ rệt về quản lý TN - MT trên địa bàn.

Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Bí thư Thành ủy yêu cầu tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn; đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung, các dự án áp dụng công nghệ đốt rác phát điện trọng điểm, trạm xử lý nước thải; triển khai từng bước chương trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt sông Đáy, nạo vét chính sông Nhuệ; phối hợp với các tỉnh xây dựng đề án bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải; hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước gắn với tăng cường quản lý các nguồn xả thải.

“Ban Cán sự Đảng UBND thành phố cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ô nhiễm không khí với tinh thần phải quyết liệt; đơn vị nào thực hiện không đúng quy trình, làm kém hiệu quả phải cắt hợp đồng. Mục tiêu từ nay đến cuối năm phải tạo chuyển biến căn bản hai lĩnh vực là ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí” - ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Về quản lý đất đai, Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố sớm hoàn thành hệ thống hồ sơ địa chính; tăng cường thanh tra, xử lý kịp thời vi phạm. Đối với các dự án có vướng mắc về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, phải rà lại từng dự án gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể để xem xét, giải quyết bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Khánh Duy