Đồng Nai

Tạo chuyển biến trong phân loại rác tại nguồn

- Thứ Bảy, 31/10/2020, 06:47 - Chia sẻ
Xác định việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên phạm vi toàn tỉnh là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của ngành môi trường từ nay đến cuối năm, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy định và nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật về tài nguyên và môi trường.

11/11 huyện thực hiện phân loại rác tại nguồn

Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho thấy, mỗi ngày, Đồng Nai phát sinh khoảng 1.833 tấn rác thải rắn sinh hoạt; thu gom, xử lý 1.826 tấn/ngày (99,6%) với hơn 1,5 nghìn tấn được đưa về các khu xử lý tập trung. Hiện, 11/11 đơn vị cấp huyện đã thực hiện phân loại rác tại nguồn tại 67 xã, phường; 106 trường từ mầm non đến trung học phổ thông và 3 chợ; 61,6 nghìn hộ dân đăng ký thực hiện phân loại rác, trong đó, có gần 28,6 nghìn hộ dân phân loại đúng theo hướng dẫn. Trung bình mỗi ngày có khoảng 304/1.833 tấn chất thải rắn được phân loại đúng, chiếm 16,5% tổng chất thải phát sinh.

Phân loại chất thải nhựa tái chế tại TP Long Khánh
Nguồn: ITN

Theo tính toán, nếu phân loại rác tại nguồn thành công sẽ có 80 - 90% khối lượng chất thải được tái sử dụng hiệu quả, giảm đáng kể chi phí xử lý, diện tích chôn lấp và có nguồn thu từ rác tái chế. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, sau hơn 10 năm triển khai, phân loại chất thải rắn tại nguồn với mục tiêu tận dụng nguồn tài nguyên tái chế, hạn chế chôn lấp rác thải và tiết kiệm chi phí xử lý, đến nay, kết quả phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, chưa bảo đảm mục tiêu Đề án phân loại rác tại nguồn - giai đoạn 2 đề ra.

Đồng Nai vẫn có 2 chỉ tiêu về môi trường liên quan đến thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đạt so với Nghị quyết của Tỉnh ủy là thu gom, xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt và bảo đảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt từ 15% trở xuống. Đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 99,6%, do có 2 đơn vị chưa bảo đảm tỷ lệ 100% là TP Biên Hòa (99,2%) và huyện Trảng Bom (99,6%); cùng với đó, tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn chiếm 29%.

Ngoài ra, vẫn còn một số vấn đề phát sinh khác như người dân đã nhận thức được lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, song ý thức và hành động của người dân đối với hoạt động này chưa cao, chưa tạo được thói quen trong hành vi do việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tốn diện tích lưu giữ trước khi thu gom, mất thời gian phân loại, phải tự trang bị dụng cụ lưu trữ 2 loại chất thải rắn phân loại.

Trong khi đó, hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại vẫn chưa được thực hiện thống nhất và triệt để, các đơn vị thu gom không nhiệt tình tham gia thu gom chất thải rắn sau phân loại do phát sinh thêm kinh phí về trang bị phương tiện, nhiên liệu, nhân công. Một số địa phương chưa triển khai đồng bộ, chuẩn hóa trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật trong quá trình lưu giữ, chuyển giao, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

Tập trung tuyên truyền, vận động

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thường, phân loại rác tại nguồn là chủ trương đúng đắn, giúp giảm tỷ lệ chất thải chôn lấp, chi phí xử lý, đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, xã hội và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, phân loại chất thải còn giúp tận dụng được các nguyên liệu có thể tái chế như rác hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại.

Xác định việc triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên phạm vi toàn tỉnh là một trong hai nhiệm vụ trọng tâm của ngành môi trường từ nay đến cuối năm, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy định và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về tài nguyên và môi trường. Theo đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường; tổ chức tập huấn các văn bản pháp luật, quy định mới cho các tổ chức, đơn vị và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, trong đó, chú trọng đến tổ chức phân loại chất thải rắn tại nguồn, hạn chế phát sinh rác thải nhựa.

“Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ gia đình đăng ký thu gom rác, thực hiện phân loại rác tại nguồn; yêu cầu các đơn vị thu gom rác đầu tư xe chuyên dụng để không làm rơi vãi rác, nước thải trong quá trình vận chuyển; trích nguồn kinh phí bảo vệ môi trường chi trả cho việc thu gom rác ở nơi công cộng; tổ chức ra quân thu dọn rác thường xuyên nhằm hoàn thành chỉ tiêu thu gom 100% chất thải sinh hoạt” - Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Thường cho hay.

Ngoài ra, các khu xử lý chất thải cũng cần nhanh chóng hoàn thành các thủ tục pháp lý, đưa vào vận hành chính thức công nghệ, công suất xử lý rác được phê duyệt; xử lý rác phân loại theo đúng quy trình, vừa tận dụng được nguồn tài nguyên tái chế, giảm diện tích đất chôn lấp vừa góp phần giảm tỷ lệ rác chôn lấp dưới 15%. 

Vân Phi