TP Hồ Chí Minh

Tạo chuyển biến trong phân loại rác tại nguồn

- Thứ Bảy, 05/12/2020, 08:03 - Chia sẻ
Xác định tầm quan trọng của việc phân loại chất thải rắn tại nguồn, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể; đưa ra kế hoạch và chuẩn bị cơ sở pháp lý để triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo phương thức mới.

Xóa bỏ phương pháp thu gom cũ

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện mỗi ngày TP Hồ Chí Minh thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tỷ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6 - 10%. Việc tăng nhanh chóng chất thải rắn sinh hoạt đô thị với tính chất, thành phần đa dạng phức tạp đã tạo áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý.

Trước thực trạng này, TP Hồ Chí Minh đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp như ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến quản lý hoạt động lực lượng thu gom rác dân lập, chuyển đổi phương tiện, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, hướng dẫn kỹ thuật về phân loại và xử lý chất thải khu vực nông thôn. UBND 24 quận, huyện cũng đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến 238/322 phường, xã, thị trấn, chiếm tỷ lệ 74%.

Cùng với đó, thông qua việc triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt, thành phố đã cơ bản xử lý được vấn đề tồn tại từ trước đến nay về quản lý rác dân lập, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, buộc lực lượng này phải thay đổi, từng bước đáp ứng tốt các quy định quản lý nhà nước, tiến tới xóa bỏ tình trạng thu gom “da beo, phương tiện cũ kỹ” và thay thế bằng các phương tiện mới, bảo đảm chất lượng vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc lồng ghép Chỉ thị 19-CT/TU về thực hiện Cuộc vận động người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước vào công tác tuyên truyền phân loại chất thải rắn tại nguồn cũng đã mang lại hiệu quả đột phá. Thông qua công tác tuyên truyền, thành phố đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, không chỉ nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn mà còn góp phần giúp các phong trào vì thành phố “văn minh - sạch đẹp - an toàn - nghĩa tình” phát triển.

Việc phân loại rác tại nguồn là giải pháp cần thiết, tạo nền tảng cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, song, theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh, công tác xử lý rác thải hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển như chưa chú trọng đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải, dẫn đến khối lượng chất thải rắn xử lý bằng công nghệ chôn lấp cao, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng môi trường. Thậm chí, vẫn còn nhiều hộ gia đình chưa chủ động phân loại rác; không ký hợp đồng thu gom chất thải rắn sinh hoạt, thải bỏ rác ra các khu công cộng, kênh rạch làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Chuyển biến trong lực lượng thu gom rác dân lập  

Nguồn: ITN

Phân loại theo phương thức mới

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh, từ khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực năm 2015, TP Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trên cả nước thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn với quy mô lớn, duy trì thực hiện liên tục và bước đầu đạt được hiệu quả tích cực về mặt tuyên truyền và tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về hệ thống thu gom tại nguồn.

Đặc biệt, mới đây Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) với yêu cầu hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện phân loại rác tại nguồn… Đơn vị thu gom có quyền từ chối thu gom chất thải nếu rác thải chưa được phân loại theo quy định với mục tiêu hướng đến chất lượng môi trường tốt nhất cho quốc gia và người dân. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, thúc đẩy việc triển khai và thực hiện phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả cao hơn.

Xác định tầm quan trọng của việc phân loại chất thải rắn tại nguồn khi mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường, TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra kế hoạch thực hiện theo phương thức mới, từ giai đoạn 2020 trở đi. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND TP kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm và lộ trình tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo hướng phân loại thành 2 nhóm chính là rác tái chế và rác còn lại để người dân dễ thực hiện. Đặc biệt, giải pháp này sẽ không làm thay đổi phương thức thu gom, rác phát sinh tại các hộ gia đình, chủ nguồn thải vẫn được thu gom hàng ngày.

Nhằm chuẩn bị cơ sở pháp lý để triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo phương thức mới, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng đã có Tờ trình gửi UBND thành phố về dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu điều chỉnh một số nội dung liên quan đến quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Lê Chi