Tạo chuyển biến trong xử lý các vấn đề nóng

- Thứ Năm, 09/12/2021, 06:39 - Chia sẻ
Các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; chính sách đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; công tác dạy và học trực tuyến trong tình hình dịch Covid-19… là những nội dung được đại biểu tập trung chất vấn, yêu cầu làm rõ tại kỳ họp thường lệ cuối năm.

Tăng tính khả thi của các chính sách

Năm  2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản. Trước tình hình này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đỗ Minh Tuân nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh. Nhất là các nội dung liên quan đến giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển thị trường nông sản. Tính khả thi của chính sách và kết quả bước đầu việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ hợp tác phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và nghị quyết về một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Đăng đàn trả lời các nội dung trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Đến tháng 9 năm nay, tỉnh đã thành lập mới được 21 HTX và 140 tổ hợp tác nâng tổng số 339 HTX; hỗ trợ cho 31 HTX, 15 tổ hợp tác xã với tổng kinh phí 5 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Tổ chức được trên 30 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hơn 1.000 cán bộ HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại về kỹ năng quản lý, kỹ năng xây dựng hợp đồng liên kết; in 3.059 cuốn sổ tay hướng dẫn liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cấp miễn phí cho các chủ thể sản xuất và các địa phương...

Đối với việc thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, Giám đốc Sở Đỗ Minh Tuân dẫn chiếu một số chính sách mà doanh nghiệp được thụ hưởng khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: doanh nghiệp có dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư thì dự án đó được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 11 năm đầu kể từ ngày được thuê đất, thuê mặt nước và được giảm 50% trong 5 năm tiếp theo. Doanh nghiệp nông nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước trong 5 năm đầu kể từ ngày dự án hoàn thành đi vào hoạt động và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong 10 năm tiếp theo. Hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm không quá 15 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ cơ sở sản xuất nhà máy cơ khí chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp và nhà máy sản xuất sản phẩm phụ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án; dự án đầu tư cơ sở bảo quản nông sản hỗ trợ không quá 2 tỷ đồng/dự án; dự án đầu tư chăn nuôi bò sữa, bò thịt được hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án, ngoài ra nếu doanh nghiệp nhập bò giống cao sản để nuôi trực tiếp hoặc liên kết nuôi với hộ gia đình thì được hỗ trợ bổ sung 10 triệu đồng/con.

Các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19 cũng được người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh nhấn mạnh: đã chủ động phối hợp với Sở Công thương tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến tiêu thụ Nhãn và sản phẩm nông sản vào hồi tháng 7; hỗ trợ người dân tham gia các sàn thương mại điện tử, như Voso, Send… tham gia Diễn đàn chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021; tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm cây có múi với 11 điểm cầu các tỉnh, thành phố (ngày 28.10.2021)….

Bảo đảm chất lượng dạy và học trong điều kiện phòng, chống dịch

Không chỉ vấn đề nông nghiệp, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các vấn đề ngành giáo dục cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Thông qua phần đăng đàn của Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Văn Phê, những vấn đề nổi cộm thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân trong toàn tỉnh được làm rõ như: Việc bảo đảm chất lượng dạy và học trong điều kiện dịch bệnh Covid-19; công tác an toàn trường học, y tế học đường. Việc phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo trong đó có phát triển giáo dục ngoài công lập cũng như công tác quản lý chất lượng giáo dục đối với những cơ sở giáo dục ngoài công lập…

Đối với lĩnh vực y tế, Giám đốc Sở Nguyễn Thị Anh đã làm rõ nhiều băn khoăn của  đại biểu trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Việc thực hiện tiêm chủng vaccine cho người dân. Kết quả xã hội hóa trong lĩnh vực y tế so với các tỉnh khác trong khu vực còn chậm. Lộ trình tự chủ về tài chính nhằm bảo đảm kinh phí khám, chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Giải pháp nâng cao nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân…

Khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn với tinh thần “dân chủ, khách quan và thẳng thắn”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND tỉnh khẩn trương, nghiêm túc thực hiện theo đúng những nội dung đã trả lời, tiếp thu; những nội dung cần phải có thời gian để làm rõ đề nghị trả lời bằng văn bản gửi Thường trực HĐND tỉnh và đại biểu đã nêu chất vấn. HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các nội dung đã chất vấn và những lời hứa, cam kết của UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh tại kỳ họp. Yêu cầu UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện vào kỳ họp thường lệ tiếp theo của HĐND tỉnh.

Phạm Văn Giỏi- Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hưng Yên