Tạo cơ chế để nông nghiệp công nghệ cao bứt phá

- Thứ Tư, 28/10/2020, 10:53 - Chia sẻ
Việc chuyển đổi từ nền nông nghiệp lạc hậu sang nền nông nghiệp hiện đại công nghệ cao được xem là xu thế tất yếu hiện nay. Do vậy, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống các cơ chế, chính sách khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp bao gồm các Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm khuyến khích doanh nghiệp/ người dân đầu tư trực tiếp hoặc liên kết tổ chức, cá nhân để nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ.

Vẫn còn nhiều rào cản

Để hướng đễn xây dựng nền nông nghiệp hiện đại công nghệ cao, Nhà nước đã có những đổi mới về cơ chế  quản lý của Nhà nước về khoa học - công nghệ theo hướng thị trường, từng bước hình thành thị trường khoa học - công nghệ, tạo động lực cho nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại trong nông nghiệp. Cùng với đó, Nhà nước cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ bên có nhu cầu sử dụng sản phẩm khoa học - công nghệ; ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua việc thành lập các loại quỹ: Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... Với những cơ chế, chính sách này đã có nhiều Viện nghiên cứu nông nghiệp chuyển đổi cơ chế hoạt động sang cơ chế thị trường, đã tạo ra nhiều công trình nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao; nhiều giống mới ra đời có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt.  Nhiều trung tâm, phòng thí nghiệm công nghệ sinh học hiện đại ra đời và hoạt động đã tạo điều kiện vật chất cao hơn cho việc nghiên cứu.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tính đến hết tháng 5.2020, cả nước có 1.292 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng số 15.592 hợp tác xã nông nghiệp.

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn tồn tại khá nhiều rào cản, khó khăn. Cụ thể là chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta thời gian qua còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các quy định thủ tục rườm rà, phức tạp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay dù các quy định về tiếp cận vốn ưu đãi cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao đã có nhiều ưu đãi hơn, song trên thực tế, người đi vay cần đáp ứng được nhiều thủ tục theo yêu cầu của các ngân hàng, như phương án kinh doanh khả thi, có tài sản thế chấp, khả năng trả nợ, … khiến doanh nghiệp, người nông dân không dễ có thể vay được nguồn vốn ưu đãi; hay chính sách đất đai với thời hạn và hạn điền chưa phù hợp cũng khiến cho chủ thể có nhu cầu khó tiếp cận...

Bên cạnh đó, một trong những rào cản nữa là quy mô và chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao vừa thiếu, vừa yếu. Mặc dù Chính phủ đã có ban hành đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng đến nay, vẫn có khoảng 46% nguồn nhân lực trong nông nghiệp hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nông nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong nông nghiệp nói riêng.

Cần có cơ chế riêng khuyến khích người dân

Từ thực trạng trên, để có thể hướng đến việc chuyển đổi nền nông nghiệp khoa học công nghệ hiện đại, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống các cơ chế, chính sách khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp bao gồm các Luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm khuyến khích doanh nghiệp/ người dân đầu tư trực tiếp hoặc liên kết tổ chức, cá nhân để nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ.

Chia sẻ về giải pháp để thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào chuỗi nông nghiệp công nghệ cao tại Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ V năm 2020 mới đây, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và công nghệ, GS.TS Ngô Xuân Bình cho rằng “Bên cạnh cơ chế, chính sách thì nhân tố quyết định để việc triển khai nền nông nghiệp công nghệ cao chính là nguồn nhân lực. Vì vậy, cần phải có những chuyển đổi về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cao trong doanh nghiệp, hợp tác xã để nâng cao năng lực tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ, quản lý tổ chức phát triển mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã có hiệu quả cao. Ứng dụng, phát triển công nghệ tạo chuyển biến nhanh trong sản xuất, để tạo ra chuỗi sản xuất vừa đảm bảo giá trị cao, đồng thời giảm chi phí sản xuất” - GS.TS Ngô Xuân Bình nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, việc dạy và học nghề ở nhiều nơi còn mang tính hình thức. Nhiều chương trình đào tạo nghề cho nông dân nặng về mục đích giải ngân kinh phí, nội dung kiến thức chưa phù hợp với nhu cầu của nông dân hiện nay, chưa quan tâm đến chất lượng và nhu cầu chất lượng lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã và nhu cầu học nghề của người lao động. Chính vì vậy, cần thay đổi tư duy đào tạo để nông dân thích ứng với khoa học và công nghệ, từ đó có thể chuyển đổi sản xuất nền nông nghiệp công nghệ.

Thái Yến