Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Tạo cơ chế phát triển công nghiệp điện ảnh

- Thứ Năm, 10/06/2021, 08:15 - Chia sẻ
Trước những xu hướng mới có tác động mạnh mẽ tới ngành điện ảnh, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần được xây dựng theo hướng tập trung tháo gỡ các nút thắt để thị trường điện ảnh phát triển lành mạnh, có chính sách nhằm thúc đẩy, phát triển một trong những ngành quan trọng của công nghiệp văn hóa.

Thích ứng với “bước ngoặt thế kỷ” của điện ảnh

Luật Điện ảnh 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh 2009 được ban hành khi điện ảnh đang tồn tại ở dạng truyền thống, nghĩa là điện ảnh phim nhựa - như khi ra đời cách đó hơn một thế kỷ. Nhưng đến năm 2013, cả thế giới bất ngờ chuyển từ phim nhựa sang phim kỹ thuật số, kéo theo toàn bộ thay đổi trong quy trình sản xuất, phổ biến, phát hành, lưu trữ phim. Phát biểu tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sáng 9.6, TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: Khi xây dựng Luật Điện ảnh 2006, không ai lường trước điện ảnh có bước ngoặt thế kỷ như vậy.

Mặt khác, Luật 2006 coi điện ảnh là ngành nghệ thuật, cơ bản sẽ có hành lang pháp lý để quản lý tác phẩm điện ảnh là chính. Tuy nhiên, trong tình hình mới, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ khác Luật năm 2006, phải coi điện ảnh là ngành công nghiệp và có cơ chế, chính sách phát triển phù hợp. "Đây phải là quan điểm mới, xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi). Bởi nếu thừa hưởng cơ bản quan điểm trong Luật hiện hành thì sẽ khó điều chỉnh hoạt động điện ảnh trong hiện tại và tương lai gần", TS. Ngô Phương Lan góp ý.

Về nguyên tắc hoạt động của điện ảnh, theo TS. Ngô Phương Lan, “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 đã nêu quan điểm về phát triển công nghiệp văn hóa, và điện ảnh là một phần quan trọng. Trong đó khẳng định: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”; “Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế”. Đây là hai quan điểm quan trọng, và cũng là nguyên tắc của hoạt động điện ảnh.

Trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã có một số câu từ nói về việc điện ảnh là ngành kinh tế, nhưng chưa có cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý cụ thể nhằm khuyến khích phát triển điện ảnh trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó, phần quan trọng của một ngành kinh tế là phải tạo lập được thị trường lành mạnh, thì dự thảo chưa nói tới. Do đó, bên cạnh phần giải thích khái niệm “Công nghiệp điện ảnh” dự thảo cần đưa vào khái niệm “Thị trường điện ảnh”, và có chế tài, biện pháp kích thích thị trường này phát triển.

Tọa đàm tham vấn chuyên gia về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Ảnh: Ng. Phương 

Bảo đảm định hướng, phù hợp xu thế

Ở một số quốc gia, điện ảnh đã trở thành ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, không chỉ góp phần quảng bá đất nước, con người qua các tác phẩm điện ảnh được công chiếu rộng rãi trên thị trường quốc tế, mà qua đó còn giúp nhiều ngành nghề khác được hưởng lợi từ ngành nghề này, như du lịch, thời trang, mỹ phẩm... Ở các nước, các ngành gắn với nhau như guồng quay, thu hút phim nước ngoài vào quay, quảng bá cảnh đẹp, thì du lịch được hưởng lợi đầu tiên, các sản phẩm của họ cũng được quảng bá rộng rãi ra thị trường nước ngoài. Trong khi đó, ở Việt Nam, ngành điện ảnh và các ngành khác chưa có sự gắn kết chặt chẽ, chẳng hạn, điện ảnh với truyền hình, du lịch, tài chính chưa có sự liên kết, phối hợp, hỗ trợ nhau, nên chưa phát huy được thế mạnh của điện ảnh.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp Nguyễn Quỳnh Liên: Công nghiệp điện ảnh về bản chất, còn là công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp khác như du lịch, sản xuất sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm chức năng, tạo khuynh hướng thẩm mỹ, quảng bá văn hóa. Tuy nhiên, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) chưa có chính sách và biện pháp để ngành điện ảnh liên kết các ngành công nghiệp khác, cũng chưa có chính sách khuyến khích tổ chức cá nhân tham gia sản xuất phim làm được các mục tiêu đó.

Cũng theo bà Nguyễn Quỳnh Liên, khi xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), cần giải quyết hài hòa giữa một bên là ngành văn hóa, nhưng cũng là ngành kinh doanh, nghiên cứu bảo đảm định hướng, gìn giữ thuần phong mỹ tục, an ninh quốc gia, đồng thời phải phù hợp, vận động theo quy luật của thị trường, xu thế thế giới. Trên quan điểm được xác định như vậy mới đặt ra Nhà nước quản lý ra sao, tập trung đầu tư vào cái gì, có chính sách gì để điện ảnh phát triển, nếu không sẽ bị "giằng xé” với tư duy cũ là Nhà nước bảo hộ, đầu tư cái nọ, cái kia. Trong khi để ngành công nghiệp điện ảnh phát triển, quan trọng là Nhà nước phải tạo ra luật chơi, môi trường lành mạnh.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) hiện cũng chưa làm rõ Nhà nước sẽ tập trung vào nhiệm vụ nào, và những gì sẽ để thị trường điều tiết. Theo các chuyên gia, Nhà nước nên tập trung đầu tư, đặt hàng các hoạt động không xã hội hóa được, như đặt hàng tác phẩm, đầu tư cho hoạt động điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, truyền bá văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, Nhà nước có các chính sách cụ thể để tăng nội lực phim Việt, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực điện ảnh, có hành lang pháp lý quy định rõ ràng để doanh nghiệp thực hiện. Chẳng hạn, cơ quan quản lý cần đưa ra bộ tiêu chí về nội dung phim được phép phát hành, dù phát hành với hình thức, phương tiện nào, tiêu chuẩn phải giống nhau. Khi có tiêu chí cụ thể, các doanh nghiệp tự duyệt phim, dán nhãn, phân loại phim. Cơ quan nhà nước sẽ thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm ở từng loại hình...

Các ý kiến đều cho rằng, quan trọng nhất là dự thảo Luật phải tạo cơ chế để từ đó có những tác phẩm điện ảnh tốt, hay, tạo đà cho công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, khẳng định tiếng nói, văn hóa dân tộc và quảng bá hình ảnh quốc gia đến bạn bè quốc tế.

Ngọc Phương