Góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng:

Tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững

- Thứ Sáu, 27/11/2020, 07:45 - Chia sẻ
Văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tiến trình đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới trong chặng đường sắp tới. Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã tập trung đóng góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện, đồng thời, kiến nghị một số vấn đề cần đánh giá sâu sắc và có giải pháp quyết liệt hơn nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn vừa qua, từ đó, tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong những năm tới.

ĐBQH Vũ Hồng Thanh (Quảng Ninh): Quan tâm hơn tới cht lượng cán bộ cơ sở

Ảnh: Thanh Chi

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước đã đoàn kết, thống nhất trong tư duy và hành động, từ đó, tạo sự lan tỏa đối với xã hội. Đây là yếu tố rất quan trọng, góp phần tạo nên những thành tựu, kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Tại các cuộc họp định kỳ hàng tháng của lãnh đạo chủ chốt, những vấn đề khó, phức tạp được đưa ra trao đổi, bàn bạc để xử lý cụ thể. Cũng cần nói thêm rằng, những vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội mà chúng ta tập trung xử lý trong giai đoạn vừa qua đều đã xảy ra từ các nhiệm kỳ trước. Vừa rồi, một số đồng chí trong Bộ Chính trị bị xử lý kỷ luật cũng là hậu quả của thời kỳ trước. Như vậy, rõ ràng, chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm quý báu trong phương pháp, cách thức điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển đất nước nói chung và trong công tác cán bộ nói riêng. 

Về tổ chức cơ sở Đảng, trong báo cáo về công tác xây dựng Đảng, chúng ta còn khoảng 1.582 thôn, bản chưa có chi bộ Đảng. Mặc dù trong báo cáo cũng nói rằng, số liệu đã giảm được 700 - 800 rồi nhưng cũng vẫn còn khá nhiều thôn, bản chưa có chi bộ Đảng. Chúng ta cần tập trung để “phủ kín” chi bộ Đảng ở những nơi này. Hiện nay, tất cả các chính sách, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội thì việc triển khai thực hiện đều dồn về cơ sở. Việc thì rất nhiều. Ở nhiều địa bàn, cán bộ cơ sở phản ánh bị quá tải. Trong khi đó, thực tế cũng cho thấy, hầu như cán bộ cấp cơ sở có năng lực trình độ thấp hơn so với tiêu chí về năng lực, trình độ mà chúng ta yêu cầu. Đây là vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới. Cần có cách nào đó để khắc phục vấn đề này. 

ĐBQH Phan Viết Lượng (Bình Phước): Hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật phải là trọng tâm

Ảnh: TTXVN

Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII nêu rõ, công tác xây dựng Đảng về chính trị đã được đặc biệt chú trọng. Đảng ta luôn vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn đất nước; kiên định các nguyên tắc trong đường lối đổi mới và trong công tác xây dựng Đảng. Năng lực dự báo, hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng được nâng lên rõ rệt. Ban Chấp hành Trung ương đã bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là 6 nhiệm vụ trọng tâm, ban hành 14 nghị quyết và 1 quy định, trong đó có 4 nghị quyết và 1 quy định về công tác xây dựng Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có các chủ trương, nghị quyết để lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ mới, quan trọng. Việc Trung ương ban hành kịp thời, đồng bộ hệ thống văn bản trên hầu hết các lĩnh vực đã tạo cơ sở chính trị quan trọng để đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Tuy nhiên, thực tế qua nhiều nhiệm kỳ, việc thể chế hoá, cụ thể hoá một số nghị quyết của Đảng còn chậm, một số chủ trương, chính sách chưa kịp thời đi vào cuộc sống…

Nghị quyết của Đảng có tầm nhìn, bám sát thực tiễn, là cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ xây dựng, hoạch định các giải pháp chiến lược phát triển đất nước. Sau khi được ban hành, Nghị quyết Đại hội XIII phải thực sự tạo ra bước tiến trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến trong thực tế. Do đó, trong giai đoạn tới, việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế phải là nhiệm vụ trọng tâm. Vừa qua, chúng ta xây dựng, ban hành nhiều quy định pháp luật rất tốt, rất cụ thể nhưng các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước thực hiện không nghiêm, không tốt. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên chưa đầy đủ nên việc áp dụng pháp luật, tuân thủ pháp luật và xử lý vi phạm còn yếu. Nếu chú trọng xây dựng pháp luật mà không chú trọng đổi mới, tăng cường hơn nữa việc áp dụng, thực thi pháp luật thì khó đạt mục tiêu đề ra. Vì vậy, mục tiêu nhiệm vụ trong văn kiện Đại hội XIII cần nhấn mạnh yêu cầu thực thi chính sách, pháp luật với các biện pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ đôn đốc, thúc đẩy việc tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ, thời gian qua, số lượng đảng viên mặc dù tăng lên nhưng chất lượng đội ngũ đảng viên chưa tương xứng. Tính nêu gương trong lớp đảng viên trẻ chưa cao; tính phê bình và tự phê bình trong Đảng, sức chiến đấu của Đảng đâu đó còn hạn chế, cán bộ đảng viên chưa mạnh dạn phê bình cái xấu, cái tiêu cực. Bởi vậy, cần triển khai sâu rộng hơn nữa việc học tập đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương cán bộ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, đấu tranh với những cái xấu, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh hơn.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa

Ảnh: quochoi.vn

Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 (dự thảo) đã tổng kết khá đầy đủ những thành tựu cơ bản mà đất nước ta đạt được vừa qua. Tuy nhiên, dự thảo cũng cần thống kê số lượng các nghị quyết, chương trình hành động của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; chủ trương, nghị quyết của Quốc hội trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn này bởi những thành tựu đạt được là nhờ Đảng có chủ trương lãnh đạo đúng đắn, Quốc hội có nhiều quyết sách phù hợp; Chính phủ xác định đúng mục tiêu, phương châm hành động, quyết tâm đổi mới và hành động quyết liệt...

Trong đó, Quốc hội đã có nhiều quyết sách quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử, trong quản lý ngân sách nhà nước, từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội đã kiểm soát chặt chẽ ngân sách nhà nước thay vì để tình trạng “ứng trước” như trong giai đoạn trước. Quốc hội cũng giám sát và yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng phân bổ vốn đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả…

Dự thảo cũng cần bổ sung thành tựu trong thực hiện chiến lược “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", trong đó có vai trò, đóng góp quan trọng của Quốc hội trong việc sửa đổi Hiến pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đây là một trong 3 đột phá chiến lược được Đảng xác định nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thành công và vận hành đồng bộ, thông suốt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Nhiều luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành; pháp lệnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã góp phần mở rộng quan hệ, hội nhập quốc tế; tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại, tạo tiền đề cho kinh tế - xã hội phát triển vững chắc.

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong giai đoạn tới, dự thảo cần bổ sung đánh giá và đề ra giải pháp quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án. Trong 10 năm qua, nhiều dự án đầu tư công kéo dài do giải ngân chậm, dẫn tới sự phát triển không đồng bộ về kinh tế - xã hội. Năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất quyết liệt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công nhưng đến nay,  việc giải ngân ở nhiều dự án vẫn rất chậm. Nếu tình trạng này không được khắc phục căn cơ hơn chắc chắn sẽ cản trở tốc độ phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. 

Bên cạnh đó, dự thảo cần bổ sung phương án, giải pháp trong quy hoạch, xét duyệt các dự án đầu tư công nhằm bảo đảm chặt chẽ, không dàn trải và phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Thực tế, trong 10 năm qua đã có 12 dự án lớn và nhiều dự án khác hiệu quả thấp, gây thất thoát lớn. Nhiều dự án đầu tư công có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn gây mất niềm tin trong Nhân dân. Nạn tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn nhưng dự báo sẽ vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo, tham nhũng là "giặc nội xâm". Đảng ta gọi tham nhũng là nguy cơ,  thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn tại của chế độ, quốc gia, dân tộc. Tham nhũng là lực cản lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; làm tổn hại thanh danh của Đảng; làm suy giảm niềm tin của Nhân dân. Chính vì vậy, cần tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để phòng, chống tham nhũng hiệu quả. 

Nhật An