Trương trình nông thôn mới ở Long An

Tạo đà phát triển nền nông nghiệp hiện đại

- Thứ Tư, 15/12/2021, 06:54 - Chia sẻ
Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5.8.2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (Nghị quyết tam nông) thực sự tạo ra "làn gió mới" để Long An tìm ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Đặc biệt, chương trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của nông sản; tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Nâng chất lượng nông sản, hàng hóa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An, những năm qua, ngành nông nghiệp triển khai đồng bộ các chương trình để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân như chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa, chương trình bảo vệ thực vật, chương trình khuyến nông... Song song với đó, nhiều thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi vào các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Ngoài việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ngành nông nghiệp còn tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ về giống cây, con và xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng địa phương, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững.

Trồng thanh long theo ứng dụng công nghệ cao ở Long An Nguồn: ITN
Trồng thanh long theo ứng dụng công nghệ cao ở Long An
Nguồn: ITN

Từ năm 2014, việc chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long, chanh, rau màu các loại, nuôi thủy sản diễn ra mạnh mẽ với diện tích trên 23.500ha. Các vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung phù hợp với lợi thế của từng vùng sinh thái được hình thành (vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng rau an toàn, vùng nuôi thủy sản nước lợ, vùng chăn nuôi bò thịt...).

Theo Chi cục Phát triển Nông thôn và Thủy lợi Long An, tỉnh đã xác định 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, vùng sản xuất thanh long tại huyện Châu Thành, vùng sản xuất rau tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, TP. Tân An và vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương hỗ trợ nông dân thực hiện giải pháp nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp, thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường xúc tiến thương mại, giám sát chuỗi sản phẩm an toàn, tạo thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa.

Theo đó, khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, chi phí giảm bình quân 2 - 2,5 triệu đồng/ha, năng suất tăng bình quân 300 - 500kg/ha. Sản xuất rau giảm được phân vô cơ từ 10 - 40kg/ha, giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, năng suất tăng từ 5 - 20%. Với mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây thanh long, giúp nông dân tiết kiệm được 50 - 80% công tưới và điện năng tiêu thụ; tiết kiệm 10 - 40% lượng phân bón. Bên cạnh đó, nhiều giống bò thịt chất lượng cao được đưa vào nuôi như Red Angus, 3B… cùng với việc cải thiện khẩu phần ăn, chuồng trại, góp phần nâng cao giá trị và trọng lượng.

Tăng thu nhập, lợi nhuận cho người dân

Chọn đúng điểm nhấn là nâng cao thu nhập cho người dân bằng thế mạnh sản xuất nông nghiệp của địa phương, từ việc xây dựng vùng chuyên canh cây thanh long, đến nay, huyện Châu Thành đã được biết đến như một "thủ phủ thanh long" của tỉnh. Đặc sản thanh long Châu Thành đã trở thành sản phẩm nổi tiếng ở cả thị trường trong nước và trên thế giới, được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tạo thuận lợi đáng kể cho việc phát triển thương hiệu sản phẩm, tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập cho nông dân. 

Với lợi thế địa hình ven sông, độ cao thấp dần về phía nội đồng, ít bị ảnh hưởng bởi lũ, đất chủ yếu là đất phù sa, xã Long Trì, huyện Châu Thành đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh thanh long, khuyến khích nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, áp dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến vào sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) và sản phẩm hữu cơ. Toàn xã có trên 2.160 hộ dân với khoảng 8.100 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp; với trên 690ha trồng thanh long, trong đó có gần 400ha được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay thu nhập bình quân của người dân trong xã đã đạt trên 65,3 triệu đồng/người/năm. Mỗi hộ chỉ cần có khoảng 3.000m2 thanh long là đã có nguồn thu nhập ổn định.

Tại huyện Đức Huệ, nhiều hộ chăn nuôi bò cũng bắt đầu chuyển sang ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, thiết kế chuồng trại theo hướng an toàn sinh học và thay đổi kỹ thuật nuôi. Với không ít nông dân, chăn nuôi bò Ý, chi phí ban đầu rất cao, bình quân 35 triệu đồng/con giống, thế nhưng, chỉ cần 3 tháng nuôi theo mô hình khép kín thì lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/con. Mỗi năm, gia đình bán bò 4 lần, lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm. Những hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi bò ứng dụng công nghệ cao đang dần thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống, góp phần nâng cao giá trị đàn bò, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân. Nhiều nông dân biết thiết kế chuồng trại đúng quy chuẩn, chọn con giống chất lượng, xử lý chất thải và đưa cơ giới hóa vào chăn nuôi. Qua đó, người nuôi chủ động được con giống, tăng 30% giá trị đàn bê cũng như trọng lượng.

Huyện Cần Đước có trên 700ha rau màu, chủ yếu trồng nhiều tại các xã Long Khê, Long Trạch, Long Hòa, Phước Vân, Tân Trạch, Long Cang, Long Sơn, năng suất bình quân 20 - 22 tấn/ha/vụ. Trong đó, diện tích trồng rau ứng dụng công nghệ cao trên 300ha, với khoảng 1.450 hộ, sản lượng khoảng 70.000 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh và tiêu dùng tại địa phương. Huyện đã thành lập được nhiều hợp tác xã, mô hình sản xuất rau đạt hiệu quả kinh tế cao với thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha/năm. Các hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ rau an toàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP, bình quân doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 30 - 50 tấn/ngày.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục theo dõi và có hướng hỗ trợ các mô hình nông nghiệp mới để chọn ra những mô hình hay, cách làm mới, từ đó nhân rộng, đưa vào sản xuất rộng rãi nhằm góp phần nâng cao đời sống cho người dân. 

Thảo Mộc