Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV:

Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh

- Thứ Hai, 26/10/2020, 18:10 - Chia sẻ
Chiều 26.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp trực tuyến, thảo luận dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình phát triển, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt. Theo đó, do yêu cầu quản lý đòi hỏi cần tổ chức bộ máy chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại, có năng lực lập quy hoạch, kế hoạch, sử dụng hiệu quả các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ. Trong khi đó, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn và hải đảo là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chỉ đạo, nhiều Nghị quyết đã được ban hành và thực hiện hiệu quả.

Do đó, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều, quy định việc tổ chức chính quyền đô thị; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND quận… Nếu được thông qua, Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết để quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 47/2019/QH14 về chính quyền địa phương ở quận, phường, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của TP.  

Về tên gọi, phạm vi và nội dung của dự thảo Nghị quyết, trong quá trình thẩm tra của Ủy ban Pháp luật còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh để thực hiện ngay từ ngày 1.7.2021 mà không qua thí điểm như Chính phủ trình. Việc ban hành Nghị quyết này là phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019. Loại ý kiến thứ hai đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh tương tự như đã quyết định đối với TP Hà Nội và Đà Nẵng.

Đa số ĐBQH cơ bản nhất trí việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, bởi đây là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, là đầu tàu kinh tế của cả nước, có sức thu hút, lan tỏa đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước.

Các ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu); Huỳnh Thành Chung (Bình Phước), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận)… tán thành với loại ý kiến thứ nhất, theo đó sẽ tổ chức thực hiện Nghị quyết ngay mà không qua thí điểm. Lựa chọn phương án này, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ rõ, thứ nhất, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định: chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương. Thứ hai, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường hơn 6 năm, đã có hiệu quả và được nhân dân TP ủng hộ. Đây là 2 cơ sở thực tiễn quan trọng để Quốc hội có thể cho phép TP được chính thức thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị mới mà không cần phải tiếp tục thí điểm để bảo đảm tính ổn định, lâu dài, tạo sự yên tâm đối với các cấp chính quyền ở TP cũng như cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân nói chung.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, mặc dù vẫn ủng hộ song ĐBQH Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đề nghị, cần thận trọng, có lộ trình và bước đi phù hợp. Theo ĐB Nguyễn Hồng Vân, trước mắt chỉ thí điểm việc không tổ chức HĐND cấp quận ở 19 quận vì đây là cấp trung gian, sau đó có đánh giá toàn diện để tiếp tục thực hiện. Đối với 259 phường vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành và ưu tiên kiện toàn củng cố nâng cao chất lượng hoạt động vì đây là cấp cơ sở trực tiếp với nhân dân.

Quang Khánh