Tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế trang trại

- Thứ Hai, 14/06/2021, 07:00 - Chia sẻ
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.558 trang trại trong đó có: 34 trồng trọt; 1.294 chăn nuôi; 1 lâm nghiệp; 113 nuôi trồng thủy sản; 112 tổng hợp; 4 du lịch trải nghiệm. Vốn đầu tư trung bình khoảng 3,4 tỷ đồng, diện tích sử dụng trung bình là 2,1ha, lao động là 3,3 người. Kinh tế trang trại hiện là một trong những mũi nhọn góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sản xuất hàng hóa thông qua tích tụ, tập trung ruộng đất, khai thác các tiềm năng về đất, vốn và lao động tại các địa phương.
	Hà Nội đảm bảo phát triển kinh tế trang trại hiệu quả
Hà Nội đảm bảo phát triển kinh tế trang trại hiệu quả
Nguồn: ITN

Khó khăn trong khai thác, sử dụng đất nông nghiệp

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay, việc phát triển hiệu quả kinh tế trang trại gặp nhiều khó khăn, hạn chế bởi phần lớn đất đai của nhiều trang trại còn sử dụng theo hình thức tạm giao, ký hợp đồng thầu với các địa phương. Chính vì vậy, việc chủ trang trại chưa thật sự yên tâm, đầu tư, phát triển lâu dài. Phần lớn các chủ trang trại thiếu vốn để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, việc tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi đối với chủ trang trại còn nhiều khó khăn do vướng mắc thủ tục, thời gian vay vốn. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về trang trại gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được hoàn thiện; thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước..

Theo quy định tại Nghị định số 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55, các trang trại được vay vốn tín chấp theo quy định. Tuy nhiên trên thực tế, để đủ điều kiện được vay vốn, các chủ trang trại đều phải có tài sản thế chấp. Thêm vào đó, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chưa rà soát cập nhật thường xuyên để phù hợp quy hoạch chung tại các địa phương, chưa công bố đầy đủ để nhân dân và chủ trang trại nắm bắt kịp thời. Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại còn hạn chế, nhất là về vốn.

Về mặt chủ quan thì năng lực xây dựng phương án sử dụng đất của các chủ trang trại hạn chế cho nên vẫn còn trường hợp xây dựng công trình của trang trại sai phép. Trình độ quản lý và sản xuất của các chủ trang trại chủ yếu chưa qua đào tạo nên khả năng quản lý sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ nông sản còn hạn chế.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Việc phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế trang trại còn hạn chế. Nhận thức về vai trò kinh tế trang trại của các cấp, các ngành chưa đầy đủ, dẫn đến cơ chế chính sách về phát triển kinh tế trang trại còn thiếu, chưa đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về phát triển kinh tế trang trại ở nhiều địa phương chưa được quan tâm. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển trang trại chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trang trại phát triển tự phát chưa được uốn nắn và xử lý kịp thời.

TP. Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu có tổng số 2.000 trang trại trở lên đạt tiêu chí theo Thông tư số 02; Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của trang trại trên 70%; Phấn đấu có từ 100 trang trại trở lên ứng dụng công nghệ cao; Thí điểm thực hiện 15 trang trại chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ một số trang trại gắn với du lịch, trải nghiệm.

Để hỗ trợ kinh tế trang trại, ngành nông nghiệp Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp các quận, huyện, thị xã xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tổ chức tập huấn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, bảo quản chế biến và cung cấp thông tin thị trường, đào tạo quản lý từ chương trình khuyến nông để các chủ trang trại ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh đầu tư, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại, kết nối cung - cầu “từ trang trại tới bàn ăn”. Các quỹ hỗ trợ nông dân và quỹ khuyến nông cũng sẽ tạo điều kiện cho các trang trại tiếp cận nguồn vốn vay hiệu quả; đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận cho các trang trại để được hưởng các chính sách khuyến khích của Nhà nước.

Về phía các địa phương, cần tập trung rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp quy hoạch chung. Công bố công khai quy hoạch để Nhân dân, chủ trang trại nắm bắt được dễ dàng. Khuyến khích và hướng dẫn các trang trại thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; Thủ tục thuê, chuyển nhượng đất theo nghị định số 64-CP của Chính phủ, đấu giá thuê quyền sử dụng đất công ích; Khai thác sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp bỏ hoang; Quy định phê duyệt phương án có xây dựng công trình trên đất nông nghiệp; Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ trang trại. Tăng cường kiểm tra theo quy định, kiên quyết xử lý các trang trại vi phạm sử dụng đất nông nghiệp.

Cùng với đó, các chủ trang trại cần đổi mới phương thức, ứng dụng khoa học công nghệ, kĩ thuật hiện đại vào mô hình chăn nuôi, khai thác, nhằm đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn, hướng tới kinh doanh theo hướng VietGAP cung cấp cho thị trường các sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh, sử dụng và đưa các sản phẩm OCOP đặc trưng riêng của địa phương vào mô hình trang trại. Thông qua chính quyền địa phương, kết nối, mở rộng mô hình kinh tế trang trại gắn với du lịch, tạo các tour du lịch sinh thái với các doanh nghiệp lữ hành.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thúc đẩy du lịch an toàn, du lịch nội địa trở thành trọng tâm phát triển của ngành du lịch Việt Nam đến năm 2030, đây là cơ hội tốt để kết hợp, tạo đà cho hoạt động phát triển kinh tế trang trại bên cạnh hoạt động, sản xuất cung ứng những sản phẩm đạt chất lượng ra thị trường.

Về phía thành phố, đối với đất quỹ công ích do UBND cấp xã quản lý để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản: Cho phép các địa phương được phép gia hạn khi hết thời hạn trúng đấu giá thuê quyền sử dụng đất 5 năm; UBND cấp xã đánh giá phương án thuê đất nếu các chủ thể thuê đất tại địa phương hoạt động hiệu quả, tại thời điểm kiểm tra không vi phạm sử dụng đất; Địa phương chưa có kế hoạch sử dụng quỹ đất được tiếp tục gia hạn và ký hợp đồng lại và bổ sung, điều chỉnh mức giá thuê đất cho phù hợp với thực tế.

Với mục tiêu các trang trại nông nghiệp phát triển hiệu quả, đúng quy định pháp luật, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế nông thôn, Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích mô hình này phát triển. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất, có chính sách giao đất ổn định lâu dài cho các trang trại và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước.

Anh Lương