Trước thềm Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 6

Tạo động lực cho hoạt động của các Ban và cơ quan tham mưu, giúp việc

- Thứ Năm, 25/06/2020, 15:18 - Chia sẻ

Ngay trước thềm Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 6 tổ chức tại Tuyên Quang, chiều 8.4, đã diễn ra Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động các Ban, Văn phòng tham mưu, giúp việc HĐND thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu. Những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh nói chung, các Ban và cơ quan tham mưu, giúp việc của HĐND cấp tỉnh nói riêng tiếp tục được những đồng nghiệp ở cơ quan dân cử các địa phương chia sẻ, trao đổi trên cơ sở thực tiễn hoạt động ở địa phương.

Nhiều kinh nghiệm hay từ thực tiễn

Từ Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ lần thứ 6 tại Hải Dương vừa qua, đây là lần thứ 2, một Hội nghị Thường trực HĐND khu vực tổ chức Hội nghị mang tính chuyên sâu, với mục tiêu chia sẻ những kinh nghiệm trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các Ban HĐND cũng như cơ quan tham mưu, giúp việc cho HĐND cấp tỉnh. Như đánh giá của Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Đặng Ngọc Huy, đây là cách làm hay, sáng tạo nhằm tạo diễn đàn để các đại biểu là thành viên các Ban thuộc HĐND và cơ quan tham mưu, giúp việc của HĐND cùng thảo luận, tìm ra các giải pháp hay từ thực tiễn hoạt động.


Toàn cảnh trao đổi kinh nghiệm hoạt động của các Ban và Văn phòng HĐND các tỉnh Trung du và Miền núi phía bắc 
Ảnh: Mạnh Tuân

“Một hội nghị trong hội nghị, hứa hẹn rất nhiều kinh nghiệm hay”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu Bùi Từ Thiện nhấn mạnh với sự kỳ vọng rất cao về chất lượng của hội nghị cấp Ban và cơ quan tham mưu, giúp việc của HĐND lần này.  Đó có lẽ cũng là kỳ vọng chung mà Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH, Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang và các địa phương tham gia. Bởi, mục tiêu của hội nghị cũng rất rõ ràng, sát sườn với chức năng cơ bản trong hoạt động của các Ban thuộc HĐND và cơ quan tham mưu, giúp việc của HĐND các địa phương.

Với tinh thần ấy, các đại biểu dự hội nghị đã tập trung thảo luận, chia sẻ những cách làm hay trong triển khai thực hiện hoạt động của các Ban và cơ quan tham mưu, giúp việc cho HĐND. Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Tuyên Quang Khánh Thị Xuyến: Giám sát thường xuyên, chuyên sâu có hình ảnh minh họa là điểm nhấn trong hoạt động của các Ban HĐND tỉnh Tuyên Quang thời gian qua. Hiệu quả giám sát chuyên đề bằng hình ảnh được nâng cao nếu có sự chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng, trên cơ sở lựa chọn chủ đề kỹ càng từ nhiều kênh thông tin, đặc biệt là dựa trên các ý kiến, kiến nghị của cử tri”, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh.

Từ thực tiễn hoạt động, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Lai Châu Vũ Thị Huyền cho biết: Giải pháp để nâng tầm chất lượng hoạt động giám sát của cơ quan dân cử địa phương là mời các chuyên gia có chuyên môn tham gia giám sát với vai trò thành viên, nhằm chỉ rõ những vấn đề nội tại dưới góc nhìn chuyên môn. Ủng hộ cách làm này, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Sơn La Tống Thị Lan Hương cho biết: Với sự tham gia của các chuyên gia, qua giám sát nhiều vấn đề được các Ban đề xuất, tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành một số nghị quyết đáp ứng thực tiễn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Điều đáng mừng là, các nghị quyết này sau khi được triển khai đã tạo ra hiệu quả lan tỏa hết sức mạnh mẽ, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo sức bật cho từng ngành, từng lĩnh vực có thêm sinh khí mới trong hoạt động”, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Sơn La nhấn mạnh.

Sớm tháo gỡ khó khăn cho Văn phòng sau thí điểm hợp nhất

Tham dự Hội nghị lần này, trong số 14 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc, có 3 địa phương thực hiện Thí điểm hợp nhất 3 văn phòng ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh. Đây cũng là dịp để các địa phương chia sẻ những khó khăn, thuận lợi sau thời gian triển khai thực hiện. Theo Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Hà Giang Phạm Thị Hồng Yên: Sau khi hợp nhất, Chánh Văn phòng UBND tỉnh được điều động, bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh; Chánh Văn phòng HĐND, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH được điều động, bổ nhiệm làm Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, được phân công phụ trách tham mưu, giúp việc mảng hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Trong khi đó, Điều 18 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định, Chánh Văn phòng HĐND cấp tỉnh là Ủy viên Thường trực HĐND; Điều 20 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Ủy viên UBND tỉnh là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; tại Thông tư số 01/2015/TTLT-VPCP-BNV quy định “Văn phòng UBND cấp tỉnh là cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh”. Khoản 3, Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định rất rõ: “Thành viên của Thường trực HĐND không thể đồng thời là thành viên của UBND cùng cấp ”.

Để tháo gỡ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang quyết định: Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh vẫn là Ủy viên UBND tỉnh (do trước khi hợp nhất là Chánh Văn phòng UBND tỉnh); một Phó Chánh Văn phòng phụ trách HĐND vẫn là Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh (do trước khi hợp nhất là Chánh Văn phòng HĐND tỉnh). Trước thực tế này, đại biểu Phạm Thị Hồng Yên đề nghị, UBTVQH, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể hơn về người đứng đầu của Văn phòng (Chánh Văn phòng) nhằm bảo bảo sự thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ.

Tiếp tục chia sẻ thêm về những khó khăn khi thực hiện hợp nhất 3 văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh Hà Giang năm 2019 đã được Bộ Nội vụ giao từ tháng 8.2018 (theo Quyết định số 1896/QĐ-BNV), nên khi hợp nhất 3 văn phòng chỉ chuyển giao được số biên chế công chức của Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; còn số biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh vẫn trực thuộc VPQH (đến nay, vẫn chưa có quyết định của Bộ Nội vụ chuyển giao số biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh về cho địa phương). Mặt khác, biên chế công chức của Văn phòng trên thực tế hiện nay vẫn bao gồm ĐBQH, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Trong khi đó, Khoản 4, Điều 4 Nghị quyết 580/NQ-UBTVQH14 quy định: Biên chế công chức của văn phòng nằm trong tổng biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước của địa phương và không vượt quá tổng biên chế hiện có của Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh trước khi hợp nhất. Biên chế công chức của văn phòng không bao gồm ĐBQH, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh. “Vì vậy, đề nghị, Bộ Nội vụ sớm có quyết định chuyển giao số biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh về cho địa phương theo quy định”, đại biểu Phạm Thị Hồng Yên nói.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng bày mong muốn, trong thời gian thực hiện thí điểm, UBTVQH, Bộ Nội vụ cần sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể về Quy chế làm việc của Văn phòng hợp nhất để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND ở địa phương. Bởi thực tế, sau khi hợp nhất, Văn phòng đang có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho ba chủ thể khác nhau là Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh. Một cơ quan vừa tham mưu xây dựng chính sách, vừa tham mưu thi hành chính sách; sau đó, lại tiếp tục tham mưu giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật sẽ rất khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nếu không sớm có những hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

MẠNH TUÂN