Tạo dựng nét đẹp văn hóa tâm linh

- Thứ Ba, 20/04/2021, 06:22 - Chia sẻ
Nhiều năm qua, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân để truyền bá quan điểm, thông tin sai trái, lệch lạc. Điều đáng ngại hơn một bộ phận cán bộ, đảng viên trực tiếp tham gia, hoặc gián tiếp bao che, dung túng cho vấn nạn này. Đã đến lúc cần gióng hồi chuông cảnh báo, có biện pháp giải quyết, đồng thời tăng cường tư duy khoa học, tạo nhận thức đúng đắn trong toàn xã hội.
Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng bài trừ mê tín dị đoan
Nguồn: ITN

Núp bóng tâm linh

Sau loạt bài điều tra về CLB Tình người hoạt động giữa Thủ đô Hà Nội, có dấu hiệu mê tín, dị đoan, gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân, trong đó có sự tham gia hoặc vô tình hay cố ý tiếp tay của một số cán bộ, công chức; sáng 19.4, báo Đại Đoàn Kết đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Trách nhiệm công chức trước hoạt động mê tín dị đoan”.

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, cùng với những chuyển động tích cực của đất nước trên mọi mặt, còn có những tác động tiêu cực từ cơ chế thị trường vào đời sống văn hóa - xã hội, rõ nhất là nạn mê tín dị đoan chiều hướng gia tăng. Đặc biệt là sự phục hồi của nhiều hủ tục và những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lạc hậu, sự xuất hiện của những thứ tôn giáo lạ và tổ chức biến tướng núp bóng với danh nghĩa hội, nhóm, câu lạc bộ để truyền bá các quan điểm sai trái, lệch lạc.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến nhận định: Chúng ta đã có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho Nhân dân, số tín đồ tham gia các tổ chức tôn giáo đã có khoảng 26 triệu người và có chứng nhận cho 60 cơ sở tôn giáo. Song vẫn còn những tổ chức mang sắc màu tôn giáo, tín ngưỡng là phái sinh, tà đạo. Ban Tôn giáo Chính phủ từng thống kê, có hàng chục tôn giáo, tà giáo không được Nhà nước thừa nhận. Rõ ràng chính sách của chúng ta rất cởi mở với tôn giáo đúng nghĩa, nhưng không cởi mở với tôn giáo phái sinh, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi.

Đáng nói là, trong các hoạt động như vậy có sự tham gia hoặc vô tình hay cố ý tiếp tay của một số cán bộ, công chức. Nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Đại Đoàn Kết cho biết, trong danh sách những người tham gia CLB Tình người, không ít người học cao, hiểu rộng, có vị trí cao trong xã hội; một số cộng tác viên tham gia tích cực tại CLB này là chỉ huy, nguyên chỉ huy trong lực lượng công an và cơ quan trọng yếu của Nhà nước... Ngạc nhiên nữa là, một CLB hoạt động với sự tham gia của cả vạn người ngay giữa Thủ đô mà tổ dân phố, chính quyền phường, quận, các cơ quan liên quan không phản ứng gì...

Nói về trách nhiệm của công chức trước hoạt động mê tín dị đoan, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, giữa tín ngưỡng với mê tín dị đoan là ranh giới mong manh, nên có nhiều người lợi dụng lòng tin của Nhân dân, hoạt động sai trái. Do đó, đội ngũ công chức, trí thức, phải dựa trên niềm tin khoa học để nhận ra điều này, không để mình rơi vào u mê, đồng thời tuyên truyền cho Nhân dân...

GS.TS. Hoàng Chí Bảo cũng băn khoăn, từ năm 1998, Đảng và Nhà nước đã có quy chế thực hiện dân chủ cơ sở, Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI thông qua năm 2007, vậy mà vẫn tồn tại một CLB hoạt động sôi nổi với quy mô lớn, không có cơ quan, ban, ngành nào phản ánh, không ai thuyết phục, vận động người dân không tin theo các tổ chức như vậy...

Nâng cao nhận thức, tư duy khoa học

Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, một cán bộ, công chức bình thường phải hoạt động trên cơ sở pháp luật, nếu là Đảng viên còn tuân thủ quy định của Điều lệ Đảng. Những người thiếu hiểu biết sẽ dễ dàng rơi vào mê muội, nhưng với người được đào tạo, bồi dưỡng, tin tưởng giao nhiệm vụ, mà lại tham gia hoạt động mê tín dị đoan là vấn đề nghiêm trọng. Cán bộ sử dụng hình ảnh, uy tín của mình để hoạt động lôi kéo sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn, tính lan tỏa rất cao. Do đó, chúng ta cần rà soát những công chức tham gia các hoạt động này, có biện pháp xử lý. “Chính quyền một mặt ươm mầm nuôi dưỡng những điều tốt đẹp để xã hội phát triển, mặt khác phải bài trừ những điều xấu, bảo vệ sự bình yên của các gia đình, xã hội trên địa bàn”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.

Còn theo GS. Hoàng Chí Bảo, đã đến lúc cần nâng cao nhận thức chung của xã hội, tạo dư luận để phê phán cái sai. “Chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới hơn ba chục năm, nhưng đổi mới tư duy còn chậm. Phải giáo dục nhận thức để có tư duy khoa học, từ đó nhiều người sẽ nhận ra, tránh xa những điều bất minh, bất chính. Bên cạnh đó, đề cao tinh thần trách nhiệm và tăng cường pháp chế, kỷ cương; tạo dựng lối sống văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, loại bỏ những gì phản văn hóa, phản đạo đức, trái với mục tiêu phát triển xã hội”.

GS. Hoàng Chí Bảo cũng cho rằng, với những công chức tham gia các hoạt động sai trái núp bóng tâm linh, cần phân biệt rõ người cả tin, theo tâm lý số đông, với người do bất mãn cá nhân, vô tình trở thành người truyền bá, tuyên truyền, tiếp tay hỗ trợ... để xử lý hợp tình. Còn những người bằng hành vi cụ thể có ý thức, tính toán, cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Các đại biểu cũng cho rằng, không chỉ riêng cán bộ, công chức, để thay đổi nhận thức, nhận biết điều sai trái và loại bỏ những thông tin lệch lạc là hành trình rất dài, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Ngọc Phương