Ngày làm việc thứ tư, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Tạo không gian sáng tạo cho điện ảnh

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 11:13 - Chia sẻ
Thảo luận tại tổ 5, các đại biểu Quốc hội cho rằng, lĩnh vực điện ảnh rất rộng, trong quản lý nhà nước phải tạo không gian sáng tạo cho điện ảnh, vừa có tác phẩm tốt phục vụ nhân dân, vừa bảo đảm tính thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng chính trị.
Các đại biểu thảo luận tại tổ 5
Ảnh: Hồ Long

Thảo luận tại tổ 5 (gồm đại biểu Quốc hội ở Trung ương thuộc Đoàn ĐBQH Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bình Thuận), các đại biểu nhấn mạnh quan điểm xây dựng luật là, cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác và trong môi trường công nghệ số; Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh; khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội phát triển ngành điện ảnh.

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho biết thêm, lĩnh vực điện ảnh rất rộng, trong quản lý nhà nước phải tạo không gian sáng tạo cho điện ảnh, vừa có tác phẩm tốt phục vụ nhân dân, vừa bảo đảm tính thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng chính trị.

Cho rằng văn hóa nghệ thuật là phải chú trọng con người, ĐBQH Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) nhấn mạnh, nếu Việt Nam muốn vươn tầm ra thế giới trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng thì phải thay đổi cách làm. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, mỗi năm, họ đều đưa các sinh viên ra nước ngoài (các trung tâm điện ảnh thế giới) học hỏi hầu hết các khâu, quy trình sáng tác phim ảnh, so với số tiền đầu tư họ thu lại rất nhiều, từ đó văn hóa, điện ảnh Hàn Quốc gần như rất phổ biến, và thống lĩnh thị trường. Tại sao trong thời kỳ chiến tranh, chúng ta có rất nhiều tác phẩm hay sâu sắc, có sức sống trường kỳ với lịch sử như Em bé Hà Nội, Sao Tháng Tám, Vỹ tuyến 17, mà bây giờ lại thiếu vắng các tác phẩm như vậy? Tiếc rằng trong dự án luật, đang thiếu chính sách quan tâm, đầu tư cho con người, mà dường như chỉ nhấn mạnh quản lý nhà nước. Nếu cứ tiếp tục làm theo cách này liệu có thúc đẩy phát triển được thị trường điện ảnh hay không?

ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) phát biểu
Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến quy định phổ biến phim trên không gian mạng, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho biết, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Tuy nhiên, quy định này chưa thật sự chặt chẽ. Nên chăng cần kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm đối với hình thức phát hành phim trên không gian mạng. Bởi lẽ thực tế vừa qua đã có những bộ phim phát hành xuyên tạc lịch sử Việt Nam, nếu không tiền kiểm và hậu kiểm, tác hại của việc lan truyền những bộ phim vi phạm pháp luật này là khá lớn.

Đối với dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, quan điểm xuyên suốt trong dự thảo Luật là phải bảo đảm mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, vừa thể hiện kết quả của thi đua là cơ sở để khen thưởng và ngược lại, khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua, song vẫn thể hiện thi đua và khen thưởng là hai phạm trù có sự độc lập tương đối với nhau về tính chất, phạm vi và nguyên tắc, đồng thời, không phải mọi khen thưởng đều xuất phát trực tiếp từ thi đua (khen đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn, khen đối ngoại). Nhấn mạnh gốc của khen thưởng là thi đua, ĐBQH Đỗ Văn Chiến (Nghệ An) lưu ý, hiện nay khen thưởng vẫn là chính mà thi đua chưa được quan tâm, cho nên rất cần khắc phục tình trạng này.

Liên quan đến khen thưởng Huân chương đại đoàn kết dân tộc, ĐBQH Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng cần quy định cụ thể hơn về đối tượng, tiêu chuẩn cụ thể được nhận Huân chương đại đoàn kết dân tộc. Có ý kiến lưu ý, huân chương đại đoàn kết dân tộc đang quy định dành tặng cho nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo và cá nhân có công lao. Tuy nhiên, dự thảo luật lại đang thiếu đối tượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cần được bổ sung thêm.

Quang Khánh