Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long NGUYỄN THỊ MINH TRANG:

Tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho các hoạt động kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế

- Thứ Tư, 03/11/2021, 17:04 - Chia sẻ
Bên lề Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang khẳng định, những quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị không chỉ có ý nghĩa định hướng hoạt động lập pháp trong giai đoạn 2021-2026 mà còn hướng đến mục tiêu dài hạn cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; khắc phục tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, "luật khung, luật ống", chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành...

Đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang cho biết: Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận 19-KL/TW là Hội nghị hết sức quy mô, có ý nghĩa quan trọng không chỉ của riêng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và ĐBQH mà còn đối với tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị có kết luận cho định hướng xây dựng pháp luật cho cả một nhiệm kỳ, là định hướng hết sức quan trọng để Quốc hội và các cơ quan chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật; tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân bên lề Hội nghị - ảnh M. Tuân.jpg
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang - ảnh M. Tuân

Cũng theo ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang, những quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị không chỉ có ý nghĩa định hướng hoạt động lập pháp trong giai đoạn 2021-2026 mà còn hướng đến mục tiêu dài hạn cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; khắc phục tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, "luật khung, luật ống", chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật…

Tiếp tục củng cố niềm tin của cử tri, Nhân dân

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Trang nhấn mạnh: Kết quả, chất lượng công tác xây dựng pháp luật có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện các mục tiêu, quan điểm, định hướng, đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự chung tay, nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của các ĐBQH và sự ủng hộ, giám sát của Nhân dân, công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV chắc chắn sẽ thu được kết quả cao, góp phần hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế cho sự phát triển của đất nước.

Note-Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long - ảnh - Mạnh Tuân
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long - ảnh: Mạnh Tuân

Cùng với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, trong thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật. Phát huy vai trò, trách nhiệm của từng ĐBQH, khuyến khích các vị ĐBQH thành viên Đoàn trên cương vị công tác của mình tích cực nghiên cứu vận dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã tích lũy được vào quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu dân cử; thường xuyên giữ mối liên hệ gắn bó với cấp ủy, chính quyền địa phương, liên hệ chặt chẽ, gần gũi với cử tri, nghiêm túc lắng nghe, ghi nhận, đề đạt trực tiếp và nhanh nhất những ý kiến, đề đạt chính đáng, quý báu của lãnh đạo địa phương và cử tri đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đoàn ĐBQH tỉnh cũng sẽ tham gia đầy đủ, có trách nhiệm vào các chương trình nghị sự của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến, lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng có giá trị khoa học và thực tiễn góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, có chất lượng, bám sát yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu thế hội nhập quốc tế, đáp ứng mong mỏi của cử tri cả nước.

Mạnh Tuân