Tạo lập và khơi thông nguồn vốn

- Thứ Bảy, 25/09/2021, 07:07 - Chia sẻ
Trước những ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chính sách tài khóa được xem là một trong những nhóm chính sách quan trọng giúp cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh. Với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách thì các giải pháp về vốn, giãn nợ, hạ lãi suất… lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tổng dư nợ tăng 6,3%

Đồng Nai là một trong 3 địa phương thuộc các tỉnh phía Nam đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 dữ dội và dai dẳng nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện đến nay. Tuy nhiên, địa phương này vẫn dành gần 65 tỷ đồng ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. 

	Bảo đảm đáp ứng kịp thời, đầy đủ vốn cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách.
Bảo đảm đáp ứng kịp thời, đầy đủ vốn cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách.
Nguồn: ITN

“Như vậy, cùng với vốn đối ứng của NHCSXH Trung ương, chúng tôi đã có trong tay gần 130 tỷ đồng để phục vụ người dân khôi phục sản xuất” - Phó Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Đồng Nai Nguyễn Đức Hải cho biết.

Tại Bình Dương, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tỉnh cũng có mức tăng trưởng. Đến hết tháng 6.2021, tổng nguồn vốn đạt 3.852 tỷ đồng, tăng 478 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nguồn vốn của địa phương ủy thác chiếm tỷ trọng đến 49% (1.867 tỷ đồng). Tại Bắc Giang - nơi tâm dịch càn quét đúng mùa thu hoạch vải thiều nhưng tính đến hết tháng 6.2021, doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn vẫn đạt hơn 1.200 tỷ đồng; với 110.655 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Bình quân mỗi hộ vay đến 43,3 triệu đồng, nâng tổng dư nợ của NHCSXH lên 4.970 tỷ đồng, tăng 327 tỷ đồng so với cuối năm 2020.

Đến thời điểm hiện tại, cả nước chỉ còn duy nhất Cao Bằng là địa phương chưa bị Covid-19 tấn công. Các tỉnh, thành còn lại đều trong trạng thái căng mình vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Nhiều ngành nghề như du lịch, dịch vụ, nhà hàng chết đứng. Nhiều lao động mất việc làm, đời sống người dân, nhất là vùng tâm dịch vô cùng khó khăn do phải giãn cách lâu ngày. Tuy nhiên, tín hiệu vui là các hoạt động tín dụng chính sách trên cả nước vẫn được duy trì ổn định và có bước tăng trưởng so với đầu năm. 

Đến hết tháng 6.2021, tổng dư nợ toàn hệ thống đạt 240.518 tỷ đồng, tăng 14.321 tỷ đồng (+6,3%) so với cuối năm 2020, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 206.386 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2020, hoàn thành 77% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổng doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm đạt 48.217 tỷ đồng, với gần 1,3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Đáng chú ý, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến hết tháng 6.2021 của toàn hệ thống đạt 247.340 tỷ đồng, tăng 13.914 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 23.467 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,3% tổng nguồn vốn, tăng 3.152 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch năm 2021.

Đáp ứng kịp thời nhu cầu người dân

Không như các tổ chức tín dụng khác, công tác cho vay, thu lãi, thu hồi nợ và gửi tiết kiệm của NHCSXH được triển khai thực hiện theo hình thức giao dịch lưu động tại Điểm giao dịch các xã, phường. Vì vậy, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song nguồn vốn chính sách vẫn kịp thời đến tay người dân; hỗ trợ tích cực để các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, giúp người dân sớm khắc phục ảnh hưởng dịch bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Riêng trong 6 tháng đầu năm, có gần 1,3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Nguồn vốn đã tạo việc làm cho gần 249.000 lao động, trong đó 1.6000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 16.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 879.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 3.600 căn nhà ở cho các đối tượng chính sách…

Đơn cử tại Dầu Tiếng - huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh Bình Dương vẫn bảo đảm đầy đủ các phiên giao dịch dù dịch bệnh phức tạp. Nhu cầu vay vốn chính sách của người dân được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Dầu Tiếng đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, đơn vị đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thiết thực như thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, bảo đảm các điểm giao dịch ở trạng thái an toàn.

Song song với quyết tâm của NHCSXH huyện Dầu Tiếng, các hộ nghèo, cận nghèo cũng nỗ lực khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh ngay khi dịch lắng xuống. Nhờ đó, 7 tháng năm 2021, NHCSXH huyện Dầu Tiếng đã giải ngân với tổng dư nợ gần 478 tỷ đồng, đạt gần 95% kế hoạch, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tổng số hộ còn dư nợ là 12.731 hộ, hầu hết các đối tượng vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, chất lượng tín dụng bảo đảm, số nợ quá hạn rất thấp, chỉ chiếm 0,14% trên tổng dư nợ.

Tại Bắc Giang cũng vậy, nhờ nguồn vốn chính sách được duy trì đều đặn, đã giúp cho 25.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào DTTS ở Bắc Giang phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đạt năng suất cao. Qua đó, góp phần ổn định đời sống người dân ngay khi dịch đi qua, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Thái Bình