Tạo môi trường đọc sách từ gia đình

- Thứ Bảy, 11/09/2021, 06:36 - Chia sẻ
“Trong quá trình hoạt động như một người khuyến đọc, tôi đã gặp nhiều ông bố bà mẹ bày tỏ sự lo lắng trước chuyện con họ không thích đọc sách và không có thói quen đọc sách. Họ hỏi tôi ‘bí quyết gì’ để giúp con của họ trở thành đứa trẻ thích đọc sách” - TS. Nguyễn Quốc Vương kể. Anh cho rằng, trong rất nhiều trường hợp, vấn đề không nằm ở trẻ mà ở người lớn.
	Cha mẹ nên có trải nghiệm và kiến thức để chọn sách phù hợp cho trẻ - Ảnh: Tứ Trung
Cha mẹ nên có trải nghiệm và kiến thức để chọn sách phù hợp cho trẻ  
Ảnh: Tứ Trung

Trách nhiệm của người lớn

“Trước câu hỏi đó, thay vì trả lời ngay, tôi đã nói chuyện với họ để hiểu về hoàn cảnh gia đình và môi trường con họ đang bị đặt vào. Và thường đúng như những gì tôi đã hình dung, trong đa số trường hợp, những gia đình có trẻ không đọc sách đều rơi vào một trong số hoàn cảnh, thậm chí là bao hàm tất cả” - TS. Nguyễn Quốc Vương chia sẻ.

Cụ thể, đó là những gia đình cha mẹ, ông bà thường có thói quen sử dụng thiết bị điện tử kết nối internet trước mặt trẻ em. Trong nhà có tivi ở phòng khách và ông bà, cha mẹ thường cho trẻ xem tivi cùng trong thời gian dài, thậm chí trẻ được phép tùy ý sử dụng tivi bất cứ khi nào chúng thích. Cha mẹ không có thói quen đọc sách và không thích đọc sách. Trong nhà không có giá sách (hoặc tủ sách) với các loại sách phù hợp cho từng đối tượng (trẻ em, người lớn). Cha mẹ không hoặc ít khi đưa trẻ đến nhà sách, thư viện và các sự kiện liên quan đến văn hóa đọc. Cha mẹ không hoặc hiếm khi trò chuyện với trẻ về chuyện đọc sách, những cuốn sách mà trẻ đang đọc ở trường. Cha mẹ không hoặc hiếm khi mua tặng trẻ sách như là một món quà quan trọng vào các ngày lễ hoặc sự kiện quan trọng như Ngày Quốc tế thiếu nhi (1.6), Tết Trung thu, mừng tuổi năm mới, sinh nhật…

Tất cả các yếu tố trên đều thuộc về trách nhiệm của người lớn. Nếu đứa trẻ đang ở trong độ tuổi từ 0 - 6, việc trẻ có đọc sách, yêu sách hay không phụ thuộc rất lớn vào cha mẹ và người lớn sống ở xung quanh. Việc khuyến đọc ở gia đình trong quãng thời gian này vô cùng quan trọng. Sau đó khi trẻ đi học sẽ là vai trò của nhà trường đồng hành với cha mẹ. Nếu trẻ ở trong độ tuổi từ học tiểu học trở lên, tác động từ phía người lớn sẽ khó hơn và cần nhiều thời gian hơn. Chính vì vậy, việc ý thức tạo ra môi trường đọc sách cho con ngay từ khi còn nhỏ vô cùng quan trọng.

Để trẻ hứng thú đọc sách

Để môi trường đọc sách phát huy tác dụng, TS. Nguyễn Quốc Vương đưa bí quyết giúp các bậc cha mẹ hướng con vào niềm đam mê, yêu thích đọc sách. Đó chính là việc sửa đổi những điều đã đề cập ở trên thành những việc cần làm như: Xây dựng và thực hiện quy tắc sử dụng thiết bị kỹ thuật số (điện thoại, ipad, máy tính) và internet trong gia đình để trẻ không bị nghiện hoặc có xu hướng lạm dụng chúng. Cha mẹ, ông bà cũng cần gương mẫu để không sa đà vào chuyện sử dụng quá mức các thiết bị này, nhất là sử dụng trước mặt trẻ hoặc cho trẻ xem cùng. Bởi khi trẻ nghiện hoặc lạm dụng thiết bị kỹ thuật số, khả năng tập trung của trẻ, hứng thú với đọc sách sẽ giảm. So với đọc sách, đương nhiên việc sử dụng chúng sẽ hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, thiết kế và điều chỉnh việc bố trí không gian trong nhà sao cho góc đọc sách, phòng đọc sách hay tủ sách, giá sách chiếm một địa vị quan trọng, nằm ở không gian nổi bật, thuận tiện cho trẻ sử dụng. Mua các loại sách phong phú, phù hợp với trẻ. Nhiều trẻ không thích đọc sách đơn giản chỉ vì không có sách phù hợp với chúng.

Cha mẹ nếu là người không đọc sách thì sẽ thiếu trải nghiệm và kiến thức để chọn được sách phù hợp cho con. Trong trường hợp đó, đừng e ngại, hãy hỏi ý kiến của thầy cô giáo, những người làm khuyến đọc hoặc các chuyên gia về lĩnh vực này. Nên thường xuyên đưa con tới thư viện công để mượn và đọc sách. Thi thoảng nên đưa con đến hiệu sách để con xem, đọc, quan sát, trải nghiệm không khí tại đó. Nếu có điều kiện thuận lợi thì cho con tham gia các câu lạc bộ đọc sách, các sự kiện khuyến đọc. Thường xuyên quan tâm đến chuyện đọc sách của con, trao đổi với con về các cuốn sách con đang đọc.

Cha mẹ cũng phải nỗ lực để thay đổi bản thân để trở thành tấm gương cho con. Rất nhiều cha mẹ đã trải qua tuổi thơ mà không hề đọc sách. Nhiều người thậm chí sau này cho dù đã học hết cao đẳng, đại học nhưng cũng không đọc gì ngoài sách giáo khoa, giáo trình và không có thói quen đọc sách thường xuyên. Để giúp con yêu sách, cha mẹ cũng phải có thái độ trân trọng đối với việc học hỏi từ sách và có thói quen đọc sách. Hãy tập làm quen với việc đọc sách cùng con để có được thói quen đọc sách cho chính mình. Thông qua trải nghiệm này cha mẹ sẽ hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa cũng như những khó khăn mà con gặp phải khi rèn luyện thói quen đọc sách, từ đó giúp đỡ con hiệu quả hơn.

Theo TS. Nguyễn Quốc Vương, “trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều trẻ chưa thể đến trường, việc tận dụng thời gian trẻ ở nhà để hướng dẫn giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách, năng lực tự học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cha mẹ đừng bỏ lỡ cơ hội đó!”.

Hồng Hà