Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tạo “sân chơi” cho các doanh nghiệp

- Thứ Ba, 14/11/2017, 07:49 - Chia sẻ
Chưa bao giờ các nhà khởi nghiệp nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều như hiện nay. Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án và 600 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Hỗ trợ cơ chế, vốn và không gian làm việc

Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH-CN Trần Xuân Đích, việc triển khai Đề án 844 đã có sự vào cuộc đồng lòng của các bộ, ban, ngành, địa phương, các nhà sáng lập, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, nhà đầu tư, quỹ đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp... Theo đó, hành lang pháp lý cho khởi nghiệp ĐMST đã được các cơ quan chức năng quyết liệt xây dựng, ban hành. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghệ đã được Quốc hội ban hành năm 2017, trong đó đều có những nội dung trọng tâm liên quan tới đăng ký, thành lập, phát triển và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Các tập đoàn, ngân hàng lớn cũng tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính cho khởi nghiệp ĐMST. Năm 2016-2017 đã chứng kiến sự ra đời của Quỹ sáng tạo CMC, FPT Ventures, Viettel Venture, hay Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA). Nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng chung tay hỗ trợ phát triển khởi nghiệp ĐMST như: Sáng kiến kinh doanh khu vực sông Mekong (MBI-ADB) phối hợp với các tổ chức liên quan thực hiện sáng kiến Thành phố Thông minh - Smartcityvn nhằm thu hút các giải pháp đột phá, đổi mới sáng tạo xử lý những vấn đề tồn đọng của các đô thị.

Không dừng ở bộ, ngành, phong trào khởi nghiệp ĐMST còn diễn ra trên khắp cả nước như: Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017; cuộc thi ý tưởng sinh viên khởi nghiệp; hội nghị và triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng; tuần lễ khởi nghiệp ĐMST tổ chức tại TP Hồ Chí Minh… Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang nhấn mạnh: Nếu nhìn toàn cục, sẽ thấy rõ sự thành công của Bộ KH-CN trong cả vai trò dẫn dắt lẫn điều phối. Mong rằng TECHFEST 2017 thực sự trở thành một mốc sự kiện thường niên mang tính quốc gia và quốc tế của cộng đồng khởi nghiệp ĐMST. “Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất năm 2016 đã có tổng giá trị lên đến hơn 50 triệu USD, đặc biệt, ngành Công nghệ tài chính (Fintech) tại Việt Nam đã thu hút được 129 triệu USD. Các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư cá nhân tăng về số lượng và hoạt động bài bản hơn. Năm 2017, hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm có hoạt động tại Việt Nam, điển hình là IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, 500 Startups - Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích cho biết thêm.


Thứ trưởng Trần Văn Tùng đi thực tế Công ty ứng dụng KHCN vào sản xuất
Ảnh: Chí Tuấn

Tăng cường kết nối

Mặc dù được đánh giá đã có sự thay đổi cơ bản trong việc tạo hành lang pháp lý, nhưng theo Phó Cục trưởng Trần Xuân Đích vẫn còn nhiều chính sách cần nghiên cứu, xây dựng như ưu đãi thuế cho nhà đầu tư thiên thần; tạo cơ sở pháp lý cho nền tảng gọi vốn cộng đồng, cơ chế visa đặc thù để thu hút nhà đầu tư… Ông Đích cho rằng, để làm được điều này rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, địa phương để thống nhất, chia sẻ nguồn lực giữa các Đề án hỗ trợ khởi nghiệp ở các cấp, ngành, tổ chức.

Đại diện nhà sáng lập, Giám đốc Công ty Holomia Đinh Anh Tuấn cho rằng, thời gian qua vai trò của Nhà nước đã giúp các startup khá hiệu quả bằng cách triển khai các diễn đàn, hỗ trợ thông tin về thị trường, tạo môi trường kinh doanh tốt. Các cơ chế chính sách hiện tại đã cởi mở, cho phép các tổ chức, hiệp hội góp ý, xây dựng theo nhu cầu thực tế. Với vai trò chủ trì, mong Bộ KH - CN tiếp tục kết nối các startup phù hợp với nhau để cùng hợp lực tạo ra sản phẩm ngày một giá trị hơn. “Cần lập thêm sân chơi do các nhà đầu tư đứng ra kiểm định, đánh giá để hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, kết nối các hoạt động thực chất hơn”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VMCG Trịnh Minh Giang cũng cho rằng, đối với doanh nghiệp, nếu là startup, cần tận dung tối đa sức mạnh cộng đồng, khẳng định lợi ích hệ sinh thái đem lại. Nếu là các doanh nghiệp trưởng thành, cần nhìn nhận đúng tác động lan truyền của nền tảng tri thức, công nghệ các startup đem lại cho toàn bộ nền kinh tế, từ đó có những hoạt động hỗ trợ, cố vấn, dìu dắt và có thể cả đầu tư cho các startup tiềm năng cũng như ủng hộ các tổ chức, hoạt động xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Đối với Nhà nước, luôn khẳng định vai trò định hướng, tạo điều kiện cho tất cả các hoạt động xây dựng, bồi đắp cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý thuận lợi, cần kết nối, tận dụng mọi nguồn lực xã hội hóa, tôn vinh những đóng góp cộng đồng.

Đối với nhà đầu tư, cần tự học hỏi, tự phát triển các kỹ năng đầu tư cũng như quản lý vốn. Tham gia vào các mạng lưới kết nối nhà đầu tư cũng như hoạt động của cộng đồng khởi nghiệp, thử sức trước ở những vai trò cố vấn, diễn giả... để có góc nhìn đầy đủ trước khi có quyết định đầu tư. Ông Giang cũng khẳng định, trình độ hay tài chính vẫn chưa đủ làm bệ phóng tốt cho các startup mà rất cần một hệ sinh thái hoàn chỉnh để giảm thiểu được những khoảng trống kinh nghiệm, hiểu biết của các startup cũng như gia tăng nguồn lực, tài chính mạnh mẽ cho khởi nghiệp ĐMST. Từ đó, tối đa hóa hiệu quả của từng cá thể startup, tạo lòng tin vững chắc cho cộng đồng.

QUỲNH CHI