Tạo sức mạnh cho doanh nghiệp hội nhập vào thị trường toàn cầu.

- Thứ Tư, 01/07/2020, 17:11 - Chia sẻ
Đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt đã và đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với nhiều yêu cầu khắt khe về chuẩn hóa, số hóa trong sản xuất, kinh doanh. Nhất là khi Việt Nam đang hội nhập với nền kinh tế thế giới, nhiều Hiệp định thương mại tự do quốc tế được ký kết thì việc thông qua những bộ tiêu chuẩn mới về chất lượng hàng hóa sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt dễ dàng hội nhập toàn cầu hơn.

Từng bước nâng cao chất lượng hàng hóa

Sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, LocalGAP là xu hướng tất yếu để nông sản Việt có thể đi ra nước ngoài.
Sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, LocalGAP là xu hướng tất yếu để nông sản Việt có thể đi ra nước ngoài.

Nguồn: ITN 

Đã gần 10 năm từ khi Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) chủ trì được triển khai, hoạt động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo Ban Điều hành Chương trình, việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tiên tiến và áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng Chất lượng quốc gia đã giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, qua đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cơ bản đầy đủ về số lượng TCVN và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, yêu cầu quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn vệ sinh sức khỏe con người và môi trường (gần 13.000 TCVN; tỷ lệ hài hòa khoảng 56%).

Các doanh nghiệp đã đưa vào áp dụng nhiều chương trình cải tiến năng suất, chất lượng, coi đó là hoạt động không thể thiếu trong doanh nghiệp mình. Các hệ thống quản lý như ISO 9000, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP đã trở thành các hệ thống quen thuộc với các doanh nghiệp. Các chương trình và công cụ cải tiến Kaizen, 5S, Lean, Lean 6 Sigma… và các công cụ quản lý khác cũng được quan tâm và ứng dụng nhiều hơn…

Vào tháng 8.2018, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh phát triển nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế, Bộ KHCN và Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) đã ký kết chương trình thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, Nguyễn Hoàng Linh cho biết, trong 2 năm thực hiện Thỏa thuận, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao giúp cộng đồng doanh nghiệp và nông dân nâng cao nhận thức trong lĩnh vực xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, qua đó giảm thiểu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với người lao động và cộng đồng... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, cải thiện hình ảnh, thương hiệu và tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao, Vũ Kim Hạnh cho biết, Hội Doanh nghiệp HVNCLC đã ban hành Bộ tiêu chí HVNCLC - Chuẩn hội nhập cho các ngành dệt may - da giày, cao su - nhựa, hóa mỹ phẩm, chế biến gỗ và Bộ tiêu chí áp dụng cho các ngành phi thực phẩm còn lại. Với việc thông qua bộ tiêu chí này giúp tạo sức mạnh cho các doanh nghiệp địa phương hội nhập bền vững vào thị trường toàn cầu, bằng việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn ở mức độ địa phương và quốc tế, sau đó hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thương mại và hợp tác quốc tế.

Có thể thấy, hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng của hàng hóa Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã mang lại nhiều kết quả nổi bật, doanh nghiệp cũng đã tiếp cận và từng bước triển khai các công cụ cải tiến năng suất cơ bản khác.

Nâng tầm giá trị nông sản Việt

Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh chứng kiến lễ ký kết triển khai chương trình tư vấn, huấn luyện nông dân thực hiện chuẩn Localg.a.p. tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Nguồn: most.gov.vn
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh chứng kiến lễ ký kết triển khai chương trình tư vấn, huấn luyện nông dân thực hiện chuẩn Localg.a.p. tại các tỉnh biên giới phía Bắc.

Tại Hội nghị “Tiêu chuẩn mới cho doanh nghiệp và nông dân để khởi động kinh doanh sau dịch Covid-19”, do Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ chức tiêu chuẩn Global G.A.P và Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức trong thời gian vừa qua, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao, Vũ Kim Hạnh cho biết, Bộ tiêu chí HVNCLC – Chuẩn hội nhập đã được nhiều tổ chức như Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, GMP, Global G.A.P… thừa nhận. Trong đó có hai công trình nổi bật là xây dựng được tiêu chuẩn Local G.A.P dành cho nông nghiệp và HVNCLC – Chuẩn hội nhập dành cho 5 ngành phi thực phẩm. Đồng thời, tại hội nghị Bộ KHCN và Hội DN HVNCLC đã ký kết triển khai chương trình tư vấn, huấn luyện nông dân thực thiện chuẩn Local G.A.P tại các tỉnh biên giới phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy phân tích, việc tổ chức Chuẩn hội nhập chính là chúng ta đã đưa ra cách làm mà kết hợp các yếu tố đánh giá chủ quan và yếu tố đánh giá khách quan dựa trên các tiêu chuẩn, dựa trên phòng kỹ thuật. Khi tuân thủ theo các tiêu chuẩn và giai đoạn ngặt nghèo về sản xuất với bộ tiêu chí Local G.A.P, các doanh nghiệp sẽ chuyển từ cách thức chuyển hóa sản xuất truyền thống sang một cách thức mới nâng cao đáp ứng yêu cầu và niềm tin của người tiêu dùng.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, mục tiêu xây dựng của 2 bộ tiêu chuẩn Local G.A.P và Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập không chỉ đưa hàng Việt Nam xuất khẩu mà còn phục vụ người tiêu dùng trong nước. Người Việt Nam cũng phải được dùng HVNCLC, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Là một trong 4 đơn vị được trao chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập”, đại điện Công ty TNHH Thịnh Phát chuyên sản xuất phụ gia phục vụ cho các ngành chế biến thủy sản, ông Đặng Bá Thanh cho biết: “Tiêu chuẩn HVNCLC đã được người tiêu dùng đánh giá cao từ lâu. Năm nay có thêm tiêu chuẩn HVNCLC - Chuẩn hội nhập rất tốt cho những DN xuất khẩu. Đây là tiền đề để công ty nỗ lực xuất khẩu nhiều hơn, đặc biệt trước thềm sân chơi EVFTA". Theo ông Thanh, để rộng cửa vươn ra sân chơi quốc tế, ngay từ khâu đầu các DN nên chuẩn bị sẵn sàng tâm thế, đầu tư bài bản và đặc biệt cần chú trọng đến các tiêu chuẩn, số hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, việc xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp sản xuất ra được những sản phẩm với chất lượng tốt và tăng khả năng tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng như Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản,…

Xuân Tùng