Giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Tạo thuận lợi nhất để cử tri thực hiện quyền bầu cử

- Thứ Hai, 22/03/2021, 06:29 - Chia sẻ
Đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn vừa làm việc với các tỉnh Nam Định, Hưng Yên và Thái Bình. Qua xem xét, đánh giá bước đầu về quá trình triển khai của các địa phương này, Đoàn đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để cử tri thực hiện quyền bầu cử, lựa chọn người tiêu biểu, xứng đáng vào cơ quan dân cử ở Trung ương, địa phương.

Số dư lớn tăng cơ hội lựa chọn cho cử tri

Một trong các yếu tố giúp cử tri lựa chọn được người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho mình tại Quốc hội, HĐND các cấp là số dư người ứng cử. Do vậy, Đoàn công tác của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc các tỉnh Nam Định, Thái Bình sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 đã thống nhất danh sách sơ bộ ứng cử viên với số dư khá cao. Cụ thể, được bầu 8 đại biểu Quốc hội (3 đại biểu do Trung ương giới thiệu, 5 đại biểu đang công tác, sinh sống tại địa phương) thì tỉnh Nam Định đã giới thiệu 12 người ứng cử đến từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn.

		Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Hưng Yên
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Hưng Yên

Tương tự, tỉnh Thái Bình được bầu 9 đại biểu Quốc hội (4 đại biểu do Trung ương giới thiệu, 5 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương) thì tỉnh giới thiệu 12 người đến từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức tại tỉnh. Tỷ lệ người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại các tỉnh này cũng khá cao, đạt và vượt mức số dư theo quy định của luật. 

Tính toán dựa trên số đại biểu tỉnh Thái Bình được bầu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích, với 4 đại biểu do Trung ương giới thiệu, 5 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương, thì số người ứng cử tối thiểu là 15 người. Trong khi đó, tính cả số đại biểu do Trung ương giới thiệu, tỉnh Thái Bình đã giới thiệu 17 người, tạo dư địa tốt để thực hiện bước lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, giới thiệu danh sách hiệp thương lần thứ ba. Bởi, nếu có trường hợp không đủ tiêu chuẩn thì vẫn có số dự phòng để bổ sung, cũng giúp tăng sự cạnh tranh ở các đơn vị bầu cử, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Bên cạnh số dư người ứng cử, báo cáo của tỉnh Nam Định cho thấy, sau hiệp thương lần hai, số lượng ứng cử viên nữ đạt 51%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ được pháp luật hiện hành quy định tối thiểu là 35%. Tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) cũng lên tới 33% (theo quy định khoảng 10%), tỷ lệ tái cử đạt 33,5% (theo quy định là 33%). Những con số này, theo các thành viên Đoàn kiểm tra, giám sát, đã vượt kỳ vọng, thậm chí một số địa phương khó thực hiện được. Đặc biệt, với tỷ lệ người ứng cử trẻ tuổi cao hơn nhiều so với quy định, các thành viên Đoàn kiểm tra, giám sát tin tưởng, những đại biểu trẻ tuổi trúng cử sẽ là một lực lượng tốt cho Quốc hội, HĐND các cấp, khi vừa kế thừa kinh nghiệm, vừa phát huy trí tuệ của giới trẻ trong công tác dân cử.  

Phương châm 5 Đ

Trong 3 địa phương Đoàn kiểm tra, giám sát đến làm việc thì riêng Hưng Yên chưa bảo đảm số dư người ứng cử cao. Cụ thể, qua phân tích số liệu được tỉnh Hưng Yên báo cáo, Đoàn kiểm tra, giám sát nhận thấy, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội qua hai bước hiệp thương hiện mới chỉ đạt số dư tối thiểu theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp (giới thiệụ 13 người để bầu 7 đại biểu Quốc hội). Lưu ý vấn đề này, ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, theo quy định của văn bản hướng dẫn bầu cử, số dư ở từng bước hiệp thương phải bảo đảm ở mức cần thiết để xem xét trong trường hợp có những người giới thiệu không đạt tiêu chuẩn vẫn không thiếu người giới thiệu ứng cử.

Mặt khác, Nghị quyết của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng quy định, số dư người ứng cử đại biểu Quốc hội trong danh sách giới thiệu hiệp thương lần 3 phải nhiều hơn số dư người ứng cử do luật định. Dẫn ra các quy định hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, sau hội nghị hiệp thương lần hai mà số dư ứng cử viên chỉ bằng đúng mức tối thiểu theo quy định của luật là khá mong manh.

Giải trình vấn đề này, đại diện Ủy ban Bầu cử tỉnh Hưng Yên khẳng định, qua lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội sau hai bước hiệp thương cho thấy, về cơ bản các ứng cử viên đều đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định hiện hành. Ngoài ra, bên cạnh cam kết sẽ vận dụng tốt quy định pháp luật hiện hành khi tiến hành các bước tiếp theo để chuẩn bị bầu cử, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh Hưng Yên Đỗ Tiến Sỹ khẳng định, tỉnh Hưng Yên thực hiện chuẩn bị bầu cử với một phương châm thống nhất từ các cấp ủy đến chính quyền địa phương là đúng luật, đúng người, đúng quy trình, đúng thời gian và đồng thuận (phương châm 5 Đ).

Cử tri phải được tiếp cận đầy đủ thông tin về ứng cử viên

		Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khi làm việc với tỉnh Hưng Yên
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khi làm việc với tỉnh Hưng Yên

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là lần thứ ba nước ta tiến hành bầu cử đại biểu dân cử ở cả 4 cấp trong cùng một ngày. Số lượng ứng cử viên được giới thiệu rất lớn, đòi hỏi phải quan tâm thích đáng đến việc tạo điều kiện để cử tri tiếp cận đầy đủ các thông tin về ứng cử viên. Lưu ý vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao việc các tỉnh đều đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền với các mốc thời gian cụ thể, xác định rõ đầu việc với từng cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Tuy vậy, theo ông Thành, việc tuyên truyền mới tập trung giới thiệu về ý nghĩa, vai trò của bầu cử để vận động người dân tham gia bỏ phiếu, bầu chọn người đại diện cho mình tại Quốc hội, HĐND các cấp. Trong khi đó, yếu tố giúp cử tri thực hiện tốt nhất quyền bầu cử của mình là có đầy đủ thông tin về ứng cử viên. Thực tế giám sát, kiểm tra các cuộc bầu cử trước đây đã cho thấy vẫn còn tình trạng cử tri khó tiếp cận thông tin liên quan đến người ứng cử. Vì thế, ông Thành đề nghị các địa phương cần đặc biệt chú ý đến vấn đề này. 

Không chỉ là giới thiệu thông tin ứng cử viên ở nơi bầu, nhiều thành viên Đoàn giám sát, kiểm tra cũng lưu ý các địa phương khi thực hiện giới thiệu thông tin trên phương tiện truyền thông, trực tiếp tiếp xúc cử tri vận động bầu cử để mang đến cho cử tri nhiều thông tin nhất về ứng cử viên. Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị, Ủy ban Bầu cử các tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các ban, tổ bầu cử, cũng như những đơn vị liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ này bảo đảm cử tri có thông tin đầy đủ, sự bình đẳng giữa các ứng cử viên, qua đó giúp cử tri thuận lợi hơn khi chọn lựa ứng cử viên.   

Tại các cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện yêu cầu “lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn” đã được quán triệt tại Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Để thực hiện yêu cầu này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các công việc tới đây phải tiến hành dân chủ, công tâm, trách nhiệm. Có như vậy mới tìm ra được những ứng cử viên xứng đáng và tiêu biểu đại diện cho cử tri và Nhân dân tại cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương. 

Bài và ảnh: Lê Bình