Tạo tiền đề vững chắc phát triển nguồn nhân lực Thủ đô

- Thứ Năm, 24/06/2021, 06:55 - Chia sẻ
Song song với quá trình phát triển kinh tế, công tác đào tạo, khai thác và phát huy nguồn nhân lực tại chỗ, tạo tiền đề vững chắc, nâng cao trình độ, chất lượng lao động là một trong những mục tiêu quan trọng của thành phố Hà Nội trong những năm tới đây.

Từng bước cải thiện nguồn nhân lực

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội, năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 53,14%, thì đến năm 2020 con số này là 70,25%. Giai đoạn 2015 - 2020, trung bình mỗi năm, toàn thành phố tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 202.000 lượt người, đạt 132% so với kế hoạch. Nhờ đó, đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 53,14% vào năm 2015 lên 70,25% vào năm 2020. Cũng trong giai đoạn 2015 - 2020, mỗi năm Hà Nội giải quyết việc làm mới cho hơn 154.000 lao động, vượt kế hoạch đề ra.

	Phát triển đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, cơ điện, công nghệ thông tin
Phát triển đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, cơ điện, công nghệ thông tin

Thực tế, trong số lao động qua đào tạo ở Hà Nội, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ mới đạt 48%. Nguồn nhân lực sẵn sàng cung ứng cho thị trường chủ yếu là lao động phổ thông và đang rất thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, nhất là ở một số ngành nghề như công nghệ thông tin, tự động hóa, điện tử, cơ điện tử...

So với những năm trước đây, chất lượng lao động có trình độ đã tăng nhưng chưa thật sự đáp ứng được với nhu cầu thực tế. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đòi hỏi lao động không chỉ được đào tạo bài bản về mặt chuyên môn, mà còn cả những yếu tố khác như tin học, ngoại ngữ… Nhiều lao động sau đào tạo về công nghệ thông tin lại thiếu yếu tố ngoại ngữ, dư địa tìm kiếm việc làm thu hẹp hoặc thu nhập hạn chế hơn khi thiếu các yếu tố khác ngoài chuyên môn. Cần đào tạo, ứng dụng linh hoạt trong công tác đào tạo nhân lực có trình độ, phát huy hết những tiềm năng, từng bước chuyển lao động phổ thông sang lao động có kỹ năng, trình độ đối với những ngành nghề đang “khát” nhân lực.

Dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, số lao động thủ công, lao động giản đơn mất việc làm trong dài hạn vẫn đang tăng; số lao động qua đào tạo, nhưng không có kỹ năng, tay nghề cao khó kiếm được việc làm. Chị Nguyễn Hà Minh (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ khó khăn khi nghỉ việc bởi dịch Covid-19: "Những tác động của dịch Covid-19 cho thấy người lao động cần có trình độ chuyên môn, đào tạo bài bản kết hợp nhiều kỹ năng khác nhau để có thể ứng phó một cách chủ động khi thị trường lao động gặp khó khăn".

Đồng bộ, theo sát nhu cầu thực tế

Ngày 8.6.2021, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND về thực hiện “Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động thành phố Hà Nội đến năm 2030”. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%, trong đó lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55-60% vào năm 2025 và đạt trên 60% vào năm 2030 (mỗi năm đào tạo nghề cho 230.000 lượt người; giải quyết việc làm cho ít nhất 160.000 người); tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030...

Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, giải pháp trọng tâm là hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động... Các đơn vị, sở, ngành liên quan của thành phố cần xây dựng lộ trình để thực hiện kế hoạch trên sao cho hiệu quả và trong quá trình triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Thực tế, công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, dự báo thị trường lao động và xu hướng việc làm mới… đều có quan hệ nhân - quả, nếu được tổ chức tốt và khoa học sẽ tạo ra thị trường lao động với cung - cầu phát triển hài hòa, cân đối.

Đáp ứng đòi hỏi yêu cầu của thực tiễn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thành phố hiện nay cần thực hiện. Cần có sự thay đổi trong hệ thống đào tạo nghề, xây dựng kế hoạch chi tiết, bài bản, đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng các mô hình từ nước ngoài, nâng chuẩn đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng cũng như tăng cường hợp tác với các quốc gia phát triển. Cùng với đó, ngành giáo dục cần phải định hướng, tư vấn, hướng nghiệp một cách có hiệu quả đối với phụ huynh, đặc biệt là đối với lao động để có đánh giá tổng quan, tạo ra định hướng phù hợp.

Sự phối hợp đồng bộ của các trường, cơ sở đào tạo nghề với hệ thống doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm lao động sau khi được đào tạo sẽ có việc làm, ổn định thu nhập và được làm những việc đã được học. Việc liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động được xem là cách đáp ứng tốt nhất nhu cầu việc làm của thị trường.

Ông Lê Minh Thảo, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Thủ đô đang gắn kết với gần 600 doanh nghiệp để tuyển sinh, đào tạo nghề, bảo đảm người học sẽ có việc làm sau khi tốt nghiệp. Chẳng hạn, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã phối hợp với Hiệp hội Thang máy Việt Nam và một số đơn vị liên quan thành lập Trung tâm Đào tạo ngành kỹ thuật thang máy.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, thành phố cũng chú trọng đến bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động bằng việc nâng cao tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng cường hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm... Đặc biệt, đến năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành việc ứng dụng các phần mềm, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu và thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động... Đây chính là những yếu tố nền tảng để phát triển thị trường lao động một cách toàn diện, bền vững, giúp người lao động có nhiều cơ hội tốt hơn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Văn Anh