Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Bình Dương Khóa X

Tập trung các giải pháp sớm đẩy lùi dịch bệnh

- Thứ Năm, 09/09/2021, 06:25 - Chia sẻ
Bên cạnh những kết quả rất tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm với việc tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng, an sinh xã hội được chăm lo, bảo đảm, cũng còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, những tháng cuối năm, UBND tỉnh cần tập trung các giải pháp phòng chống dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết; chỉ đạo triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine… để sớm đẩy lùi dịch bệnh và đưa tỉnh trở về trạng thái bình thường mới.

Đó là những nội dung Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh qua thẩm tra tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021. Đây cũng sẽ là một nội dung trọng tâm được tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Khóa X khai mạc sáng mai, 10.9.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh kiểm tra công tác phòng, chống dịch và triển khai kế hoạch xây dựng “vùng xanh” tại phường Mỹ Phước, Thới Hòa, thị xã Bến Cát  Ảnh: Minh Duy
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh kiểm tra công tác phòng, chống dịch và triển khai kế hoạch xây dựng “vùng xanh” tại phường Mỹ Phước, Thới Hòa, thị xã Bến Cát
Ảnh: Minh Duy

Ứng dụng nhanh công nghệ số vào chống dịch

Qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thống nhất đánh giá: 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh vừa phải nỗ lực phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cho người dân, vừa phấn đấu giữ vững ổn định xã hội, phát triển kinh tế; kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng, an sinh xã hội được chăm lo, bảo đảm.

Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2020, (cùng kỳ tăng 6,73%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,23% (cùng kỳ tăng 6,4%); kết quả thu hút vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài đều tăng cao so với cùng kỳ; các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh, điều hành, quản lý của tỉnh (PCI, PAX INDEX, ICT) được cải thiện, vùng thông minh Bình Dương được ICF vinh danh TOP 7... Tỉnh đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, công nhân, người bán vé số...

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Thị Minh Hạnh nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã chủ động xây dựng các kịch bản tập trung mọi nguồn lực ứng phó với dịch bệnh; kịp thời chỉ đạo các địa phương tuân thủ nguyên tắc 5K và các giải pháp phòng, chống dịch, huy động được toàn xã hội cùng tham gia chống dịch. Trong đó, đáng chú ý là việc ứng dụng nhanh chóng công nghệ số vào chống dịch Covid-19 như: Thực hiện các ứng dụng công nghệ trên các thiết bị di động giúp người dân tuân thủ việc khai báo y tế, kiểm soát vào, ra bằng mã QR giúp tối đa hiệu quả truy vết, khoanh vùng dịch hỗ trợ đắc lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh…

Bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội cũng lưu ý với UBND tỉnh một số khó khăn, hạn chế. Nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động. Công tác kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 dù được tỉnh chỉ đạo và thực hiện quyết liệt nhưng số ca nhiễm vẫn tăng cao và đứng thứ hai cả nước, nhất là tình hình dịch bệnh trong các khu, cụm công nghiệp, địa bàn khu nhà trọ có nhiều lao động diễn biến rất phức tạp. Tiến độ tiêm vaccine Covid-19 ở một số địa phương có lúc còn chậm, việc tổ chức tiêm chưa chặt chẽ, bài bản nên tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.

Một vài địa phương chưa thật sự quyết liệt khi thực hiện giãn cách xã hội và đánh giá đúng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại các địa điểm ngoài y tế như: Trường học, chợ, siêu thị, nhà máy, nơi làm việc. Một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là và thực hiện chưa nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Công tác phối hợp các lực lượng đưa đối tượng là F0, F1 đi cách ly có lúc còn lúng túng, nhất là khi đợt dịch thứ 4 bùng phát trên diện rộng. Nguồn nhân lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu, chưa đáp ứng với yêu cầu phát sinh trong phòng chống dịch.

Theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên và để hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh, Ban đề nghị UBND tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết; đồng thời, chỉ đạo triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.  

Theo đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh về chế độ hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch covid-19; hỗ trợ người lao động thuê nhà trọ...  Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho các đối tượng theo quy định của Chính phủ, bảo đảm an toàn và hiệu quả, sớm đẩy lùi dịch bệnh và đưa tỉnh trở về trạng thái bình thường mới.

Cùng với đó, cần tăng cường quản lý, kiểm tra hàng hóa, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa để găm hàng tăng giá bất hợp lý, bán hàng cao hơn giá niêm yết; đồng thời, có giải pháp bình ổn giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, thực hiện số hóa hồ sơ bệnh án điện tử trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, nhất là trong phòng chống dịch bệnh.

NGUYỄN NHẬT