Tập trung cho dự án trọng điểm

- Thứ Hai, 30/08/2021, 13:57 - Chia sẻ
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Bình liên quan đề xuất thực hiện dự án nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho biết, ACV sẽ cân đối vốn đầu tư sân bay Đồng Hới sau khi cân đối được nguồn lực cho các dự án trọng điểm.

Trước đó, ACV đã nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới với công suất khai thác 3 triệu hành khách/năm. Tổng mức đầu tư cho dự án này là 1.222 tỷ đồng bằng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, với đề xuất này, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho rằng, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ACV. Do đó, ACV đang thực hiện hiệu chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, nguồn vốn tích lũy để đầu tư trong kế hoạch đầu tư suy giảm nghiêm trọng. ACV phải thực hiện giãn, hoãn hoặc dừng đầu tư các dự án khởi công mới, chuyển tiếp chưa thực sự cần thiết, các dự án không có khả năng thu hồi vốn để ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm.

Vì vậy, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, sau khi cân đối được nguồn lực cho các dự án trọng điểm là dự án thành phần 3 - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; xây dựng mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài; mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên... ACV sẽ dùng nguồn lực còn lại để đầu tư các cảng hàng không khác, trong đó có dự án nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới.

san-bay

Cảng hàng không Đồng Hới

Việc “lắc đầu” này của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đối với đề xuất đầu tư xây dựng nhà ga với 1.222 tỷ đồng ở thời điểm này là cần thiết. Bởi trong điều kiện tác động tiêu cực của dịch Covid-19, việc đầu tư dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng cần phải có sự tính toán cẩn trọng, phải nhìn vào khả năng nội tại của doanh nghiệp, cũng như hiệu quả kinh tế mang lại.

Còn nhớ, cách đây chưa lâu, trong tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, một số địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch sân bay mới nhưng hiệu quả không không cao, nên đề nghị không bổ sung 11 sân bay vào quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Lý giải về việc “bác” đề nghị xây dựng 11 sân bay này, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, căn cứ trên cơ sở đánh giá đề xuất 6 tiêu chí chính về sự cần thiết và mức độ khả thi đối với cảng hàng không mới gồm: Nhu cầu sản lượng, kinh tế xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch), an ninh quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược), khẩn nguy cứu trợ, điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai) và cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tiếp cận các cảng hàng không lân cận), tư vấn đã rà soát kỹ lưỡng lại kết quả và đối chiếu với các tiêu chí đánh giá.

Để có căn cứ cho việc “bác” các đề xuất, cơ quan có thẩm quyền đã phải cân nhắc, tính toán rất thấu đáo đến khả năng, tiềm lực, và tính khả thi của các dự án.

Dự án Sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25.6.2015 Về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành và thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 tại Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26.11.2019. Trong đó, Quốc hội yêu cầu, sử dụng vốn của nhà đầu tư; không sử dụng bảo lãnh Chính phủ khi thực hiện dự án này; bảo đảm tiến độ, tính khả thi, hiệu quả và công khai, minh bạch.

Đây là dự án đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm quốc phòng an ninh. Trong đó, ACV được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu của sân bay Long Thành như: nhà ga hành khách, đường băng, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hàng hóa số 1, hệ thống giao thông kết nối, dự án này đã được khởi công từ ngày 5.1.2020. Theo kế hoạch, Cảng Hàng không Quốc tế  Long Thành giai đoạn 1 sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2025. Do đó, hơn lúc nào hết, ACV cần tập trung nguồn lực cho các dự án quan trọng, trong đó có dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu của sân bay Long Thành.

Việc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp kiên quyết cho rằng, sau khi cân đối được nguồn lực cho các dự án trọng điểm như: dự án thành phần 3 - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành... ACV sẽ dùng nguồn lực còn lại để đầu tư các cảng hàng không khác, trong đó có dự án nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới chính là “liệu cơm gắp mắm”. Điều này sẽ giúp tránh đầu tư dàn trải, sử dụng hiệu quả hơn đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Lê Hùng