Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

Tập trung cho dự án trọng điểm, liên kết vùng

- Thứ Tư, 28/07/2021, 05:36 - Chia sẻ
Chia sẻ với vất vả của Chính phủ, các bộ, ngành khi xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh nhu cầu đầu tư lớn, nguồn lực ngân sách có hạn, các đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu, phải tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, các dự án liên kết vùng, liên kết các địa phương, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Ưu tiên cho công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid - 19

Trong giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng khả năng ngân sách lại có hạn. Điều này cũng khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xem xét đưa các dự án vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong bối cảnh đó, theo ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang), khi xem xét các dự án để đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn phải xem xét tính cấp thiết - chứ không chỉ là tính "cần thiết" - và tính khả thi, nhất là khi chúng ta chỉ còn có 4 năm để thực hiện.

Đầu tư vào đâu để mang lại hiệu quả cao nhất trong điều kiện nhu cầu rất lớn, nhưng khả năng ngân sách có hạn cũng là đòi hỏi từ thực tiễn được nhiều ĐBQH tập trung phân tích tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều qua. Trong đó, nhìn vào nhu cầu trước mắt và trong dài hạn về phòng, chống dịch bệnh Covid - 19, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho biết: cử tri đánh giá cao việc Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng một số nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản từ năm 2011 như Chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2011 - 2015, trong đó, dự kiến sản phẩm của chương trình này là sản xuất được một số vaccine và sinh phẩm y tế đạt tiêu chuẩn các nước tiên tiến.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, trong bố trí ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm, cần xem xét tiếp tục bố trí ưu tiên vốn kịp thời cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm mới phát sinh trên động vật và người (trước mắt là nguồn vốn cho công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid - 19). Theo đại biểu tỉnh Long An, về lâu dài, cần ưu tiên xây dựng Trung tâm nghiên cứu và sản xuất vaccine quốc gia để phòng bệnh trong dài hạn.

Cắt địa phương nào? - Rất khó!

“Hiện nay, thật là rất khó, cắt của ai, cắt địa phương nào, cắt dự án nào phải tính toán, cân nhắc kỹ càng”. Chia sẻ khó khăn này của cơ quan chức năng, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) ủng hộ phân chia kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho các tỉnh miền núi phía Bắc chiếm 12,6% tổng chi đầu tư, thu chiếm 4,4%; đồng bằng sông Hồng chi chiếm 28% trên tổng chi và thu là 35,8%. Các mức tương ứng với khu vực Tây Nguyên là 5,5% tổng chi đầu tư và 1,6% tổng thu ngân sách; Bắc Trung Bộ duyên hải là 18,7% chi đầu tư và thu là 11,8%; Đồng bằng sông Cửu Long có tổng chi đầu tư chiếm 15,76% và thu là 7,2%; Đông Nam Bộ dự kiến chi đầu tư là 19,37% trong tổng chi và thu ngân sách trên tổng thu là 41,2% tổng thu.

Nhưng, vấn đề là nguồn chi đầu tư sẽ lấy ở đâu? Đặt vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý, đối chiếu giữa kế hoạch tài chính và đầu tư công trung hạn sẽ thấy còn 396.985 tỷ đồng chưa có dự kiến phân bổ. Bên cạnh việc dành vốn đầu tư cho ba chương trình mục tiêu quốc gia, ông đề nghị, cần quan tâm đầu tư để lo được khoản trả nợ, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Với định hướng này nên "ưu tiên cho chỗ nào có khả năng tạo ra tiền, hệ số đòn bẩy thu ngân sách nhà nước". Với quan điểm này và trên cơ sở tính toán hệ số của các vùng trên cả nước, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, số lượng vốn đầu tư chưa có phương án giải ngân này cần nghiên cứu dành một phần cho khu vực Đông Nam Bộ, thúc đẩy khu vực này có nguồn thu tăng thêm.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý, tổng số vốn đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến tăng 1,3 lần so với giai đoạn trước, trong khi tăng thu chỉ 1,2 lần. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp bảo đảm nguồn thực hiện kế hoạch, trên cơ sở giữ mức an toàn nợ công, quyết định đầu tư triển khai dự án phải cân đối nguồn thực tế hàng năm, tránh dàn trải, thiếu vốn. Trong điều hành phải phấn đấu không có nợ ngân sách, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Và, như đề nghị của nhiều ĐBQH, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, dự án liên kết vùng, liên kết các địa phương, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Lê Bình