Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

Tập trung, có trọng tâm, theo thứ tự ưu tiên

- Thứ Tư, 04/08/2021, 05:18 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ Nhất vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Một trong những yêu cầu được Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh đó là phương án bố trí vốn đầu tư công phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, theo các lĩnh vực ưu tiên và thứ tự ưu tiên.
Nguồn: ITN

Siết chặt kỷ luật ngân sách, tránh lãng phí 

Theo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công, tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

Nghị quyết cũng yêu cầu: Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm hoàn thành đưa các công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế; tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tán thành các mục tiêu hướng đến của kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu rõ, trong giai đoạn 2016 - 2020, việc tuân thủ các nguyên tắc "bố trí vốn đầu tư tập trung để khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, dở dang" chưa triệt để. Thực tế vẫn tồn tại tình trạng bố trí vốn dàn trải, manh mún, hiệu quả thấp, chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, giao kế hoạch vốn trung hạn và dự toán chi đầu tư hàng năm, giao nhiều lần, trong một số trường hợp, bố trí vốn chưa phù hợp thứ tự ưu tiên.

Như phân tích của ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), thu chi ngân sách, tốc độ giải ngân, những bất cập và giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư công đã làm nóng nghị trường tại các kỳ họp trước đây và ngay tại các phiên thảo luận tổ trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV. Hơn hết, điều mà cử tri và Nhân dân quan tâm là hiệu quả sử dụng từng đồng ngân sách, là những đổi mới, cơ chế phù hợp sớm được thực thi.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng lưu ý, không khó để lấy dẫn chứng người dân chỉ ra trong những lá đơn và ý kiến tại mỗi cuộc tiếp xúc cử tri với hàng loạt ví dụ về thực trạng đầu tư kém hiệu quả và điều này đã trở thành trăn trở lâu nay trong xã hội. Những câu hỏi về tiến độ thực hiện tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông; không ít công trình, dự án "nghìn tỷ" đắp chiếu, thua lỗ, chưa xong đã hỏng, liệu đã được hạch toán chi phí cơ hội mà nếu không có nó thì sao hay chưa?...

Từ thực tế này, tại kỳ họp vừa qua, cụm từ "phải siết chặt kỷ luật ngân sách, tránh lãng phí đầu tư công, cân đối thu chi, giảm chi thường xuyên, tăng vốn đầu tư phát triển" cũng được không ít ĐBQH nhắc đến.

Trên tinh thần đó, tại nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phương án bố trí vốn đầu tư công phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, theo các lĩnh vực ưu tiên và thứ tự ưu tiên. Trong đó, ưu tiên bố trí đủ vốn để thu hồi các khoản ứng trước, bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn nước ngoài, các dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong kế hoạch…

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn

Dù dự kiến phương án bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đã có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước, song, theo ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái), thì Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát. Đồng thời, hướng dẫn việc điều chỉnh linh hoạt, kịp thời cơ cấu và kế hoạch vốn được giao hàng năm theo thẩm quyền trên nguyên tắc không vượt tổng kế hoạch vốn và tổng mức đầu tư của từng dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) lưu ý một vướng mắc trong quy định pháp luật, và là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ, không kịp thời trong giải ngân vốn thời gian qua. Cụ thể, theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, với những dự án thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh cho ý kiến trong quá trình lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công trung hạn tại địa phương hai lần, trước và sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, thực tế thực hiện xảy ra trường hợp thời điểm trình Hội đồng Nhân dân phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình dự án và thời điểm xin ý kiến Hội đồng Nhân dân về kế hoạch đầu tư công trung hạn nhiều lúc không trùng với thời điểm tổ chức kỳ họp thường kỳ của Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Việc tổ chức họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất chỉ để cho ý kiến đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc quyết định một chủ trương đầu tư chương trình dự án, theo ĐB Đoàn Thị Lê An là không cần thiết vì tốn thêm kinh phí tổ chức và mất thời gian chuẩn bị. Để khắc phục hạn chế này, đại biểu đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công theo hướng quy định thẩm quyền của Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án và cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn tại địa phương và phải báo cáo Hội đồng Nhân dân về các nội dung đã quyết định tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân gần nhất.

Một số vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công đến từ yếu tố chính sách, pháp luật cũng được ĐBQH thẳng thắn chỉ ra. Bên cạnh việc nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan, theo đại biểu Thạch Phước Bình, nếu cứ "căn ke" vào quy định pháp luật sẽ chưa tháo gỡ được tình trạng giải ngân đầu tư công chậm. Nếu các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm dám nghĩ, dám làm thì sẽ khác. Do vậy, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, trong thời gian tới, cần đẩy nhanh việc triển khai đánh giá đầu tư theo hiệu quả đạt được. 

Thanh Hải