Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu

- Thứ Năm, 18/06/2020, 22:39 - Chia sẻ
Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, Chương trình nên tập trung ngân sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống; hạn chế việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi nhỏ lẻ và các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không...

ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum): Để đồng bào thực sự tham gia vào chuỗi giá trị

Mục tiêu của Chương trình đã cơ bản bám sát các mục tiêu được Quốc hội đặt ra trong Nghị quyết số 88. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các dịch vụ xã hội cơ bản mà đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được tiếp cận còn thấp so với bình quân chung của cả nước. Vẫn còn 21% người trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Tỷ lệ sử dụng bảo hiểm y tế mới đạt 44,8%. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người đồng bào dân tộc thiểu số trong các cơ quan nhà nước các cấp có xu hướng giảm... Bởi vậy, mục tiêu tổng quát của Chương trình không chỉ đặt ra vấn đề thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập mà cần quan tâm, thu hẹp cả khoảng cách về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản so với cả nước.

Chính phủ cần rà soát, cân nhắc điều chỉnh lại các chỉ tiêu của giai đoạn 2020 - 2025 cho phù hợp với các chỉ tiêu được đã được xác định trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất giữa Chương trình với Nghị quyết. Chương trình cần tập trung giải quyết 3 vấn đề quan trọng để đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi “rốn nghèo”, đó là:

Thứ nhất, giải quyết đất sản xuất một cách thật sự, nghĩa là không chỉ đủ với diện tích mà đất phải bảo đảm đủ điều kiện để sản xuất, không cằn cỗi, không bị rửa trôi, sạt lở, xói mòn. Đồng thời, thực hiện tốt vấn đề định cư. Các cụ nói "có an cư mới lạc nghiệp".

Thứ hai, tập trung tạo các nguồn lực cho sản xuất có hiệu quả và hưởng lợi từ hiệu quả sản xuất như tiến bộ kỹ thuật, kỹ năng canh tác, gắn kết thị trường tiêu thụ để đồng bào thực sự tham gia vào chuỗi giá trị.

Thứ ba, đầu tư và có cơ chế, giải pháp để bảo đảm đồng bào được hưởng lợi từ rừng, sớm thoát nghèo vươn lên từ nguồn lợi của rừng.

ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng): Đa dạng hóa về sinh kế từ rừng

Chính phủ đã đưa ra một khung chương trình mục tiêu quốc gia rất tổng thể, liên quan đến mọi mặt của phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, để thực hiện được chương trình này cần một nguồn ngân sách rất lớn. Tôi đề nghị, Chương trình nên tập trung ngân sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hạn chế việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi nhỏ lẻ. Hạn chế các chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không, dễ gây tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Cần dành nguồn lực đầu tư cho phát triển nhằm thay đổi mạnh mẽ cơ sở hạ tầng thiết yếu của vùng đồng bào DTTS và miền núi, như đường giao thông liên vùng, điện lưới... Tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số thuận lợi trong đi lại, giao thương hàng hóa, có điện lưới thắp sáng sẽ nâng cao dân trí, tiếp cận khoa học kỹ thuật, có điều kiện trang bị và sử dụng máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống, từ đó sẽ triển khai thực hiện hiệu quả hơn các dự án, tiểu dự án trong chương trình.

Tôi nhất trí cao việc Chính phủ đưa vào chương trình tiểu dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, nội dung của dự án chủ yếu tập trung vào hoạt động hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng là chưa đủ. Nếu chỉ tập trung vào các vấn đề đó, hiệu quả sử dụng đất sẽ không cao. Thực tế, ở một số vùng có độ che phủ rừng rất cao thì tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đó lại càng lớn. Do vậy, cần tính toán trong tiểu dự án này, để làm sao người dân được hưởng lợi cao nhất từ rừng. Cần đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng rừng một cách cụ thể cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang quy hoạch trồng rừng sản xuất. Chuyển đổi một số diện tích rừng sản xuất, rừng ngoài quy hoạch, rừng nghèo kiệt sang rừng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp và các loại cây khác, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số đa dạng hóa về sinh kế từ rừng.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (TP Hà Nội): Du lịch chính là “cần câu” phù hợp nhất

Ở giác độ văn hóa và du lịch, tôi cho rằng, giải pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất để sớm đạt được phần lớn các mục tiêu của Chương trình là phát triển du lịch. Bởi lẽ, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đa phần là miền núi, nhân lực, vật lực để phát triển các ngành công nghiệp và ngay cả nhiều ngành nông nghiệp cũng không thuận lợi, nhưng lại có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, văn hóa cộng đồng nông, lâm nghiệp, sinh thái nghỉ dưỡng, hang động và du lịch lòng hồ thủy điện.

Du lịch là ngành kinh tế, dịch vụ tổng hợp, mang nội dung văn hóa, nhân văn sâu sắc, đóng góp chính vào hội nhập kinh tế, tạo động lực cho ngành khác phát triển. Du lịch cũng là một ngành không cần nhiều vốn, khả năng xã hội hóa cao và sử dụng nhiều lao động phổ thông.

Kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn phát triển du lịch ở nhiều địa phương trong những năm qua đã chứng minh điều đó. Ví dụ như Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), Cát Cát (Sa Pa, Lào Cai), Buôn Đôn (Đắk Lắk)... Cách đây hơn 20 năm, Mũi Né chỉ là một làng chài nghèo ven biển nhưng đến nay, nhờ có du lịch mà đã bừng sáng, trở thành một đô thị sầm uất, một “thủ đô resort” của Việt Nam. Hơn 4 năm trước, khi chúng tôi lên dự lễ khai mạc tuần du lịch văn hóa ở Lai Châu, có đến Sìn Hồ gặp người dân nơi đây, họ cũng nói “Cảm ơn các bác du lịch, gia đình em làm du lịch có vài ngày bằng làm nông nghiệp cả tháng”. Tôi được biết Lai Châu mới đây đã chọn du lịch, nông nghiệp, thủy điện làm 3 khâu đột phá phát triển của tỉnh. Hòa Bình, Sơn La và Tuyên Quang cũng vậy. Với tiềm năng, thế mạnh của mình ở cấp độ khác nhau, các địa phương trong vùng đều đã chọn phát triển du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn hoặc quan trọng, là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt sau khi có Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, các tỉnh đều đã ra Nghị quyết về phát triển du lịch nhằm đưa du lịch trong vùng lên tầm cao mới.

Đồng bào các DTTS và miền núi “cần con cá” và cũng rất “cần cần câu cá”. Du lịch chính là một cần câu phù hợp nhất để du lịch vùng phát triển bền vững. Đồng thời, các địa phương có điều kiện phát huy giá trị các di tích, giao lưu văn hóa, thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ phù hợp để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cộng đồng. Tôi đề nghị, đưa du lịch thành một nội dung chính xuyên suốt của Chương trình, đồng thời, cần có một dự án thành phần phát triển riêng về du lịch.

Đ. Thủy, Q. Chi, T. Thành