Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVIII

Tập trung giải quyết các tồn tại, hạn chế

- Thứ Sáu, 17/12/2021, 06:15 - Chia sẻ
Bên cạnh đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được năm 2021, nhiều tồn tại cũng đã được các đại biểu “mổ xẻ” thẳng thắn, khách quan khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVIII. Trong đó, một số chỉ tiêu quan trọng không đạt; việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở một số địa phương có biểu hiện chững lại; công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu… là những vấn đề tỉnh cần tập trung giải quyết.

Không ít khó khăn, thách thức

Báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: Năm 2021, Hà Tĩnh đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể: Tăng trưởng GRDP ước đạt 5,02%, cao hơn cả nước. Sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Thu ngân sách dự kiến đạt 16.000 tỷ đồng, vượt 31% dự toán, là số thu cao nhất từ trước đến nay; giải ngân đầu tư công nằm trong nhóm đầu cả nước… Đáng chú ý, nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Hà Tĩnh; các dự án sản xuất, dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 và Nhà máy sản xuất Cell Pin được triển khai.

Các đại biểu dự kỳ họp
Các đại biểu dự kỳ họp

Dù đạt nhiều kết quả khả quan nhưng như nhận định của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng, tỉnh cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. So với kế hoạch đề ra, nhiều chỉ tiêu không đạt, trong đó có những chỉ tiêu quan trọng, như: Tốc độ tăng trưởng, GRDP bình quân/người, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở một số địa phương có biểu hiện chững lại; cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu…

Theo các đại biểu, UBND tỉnh cần ưu tiên cân đối nguồn lực và các giải pháp đồng bộ thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh Khóa XVIII. Trong đó, quan tâm phát triển các đô thị; hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM, NTM nâng cao và kiểu mẫu; xử lý các tồn đọng, tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư. Đồng thời, thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số…

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà nhấn mạnh, để giữ vững những thành quả đạt được, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phấn đấu hoàn thành 30 chỉ tiêu trong năm 2022, đòi hỏi phải có các giải pháp cụ thể, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của Nhân dân… Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga thì kiến nghị, UBND tỉnh cần rà soát quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn; quan tâm hoàn thiện thủ tục phê duyệt các dự án giao thông khởi công mới trong kỳ trung hạn 2021 - 2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư… Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011 - 2025, chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi xã một sản phẩm, các mô hình thí điểm phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp... góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề nông thôn, tạo thu nhập, việc làm cho người dân.

Giải quyết các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở

Tại kỳ họp, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thẩm tra lĩnh vực này, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh chủ động nắm chắc tình hình, tập trung giải quyết vấn đề an ninh, trật tự, nhất là khiếu kiện, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tăng cường đối thoại, tiếp công dân để giải quyết các vụ, việc ngay từ cơ sở... Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng mở các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật trên từng lĩnh vực, trọng tâm là tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng; tội phạm liên quan đến môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần cho rằng: UBND tỉnh cần tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm trên lĩnh vực này vì đây là những hoạt động không chỉ liên quan trực tiếp đến lợi ích khách hàng mà còn có mối liên hệ chặt chẽ với các hoạt động của cơ quan nhà nước, trong đó có các cơ quan tiến hành tố tụng… “Các cơ quan tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; nghiêm túc rút kinh nghiệm để khắc phục những sai phạm, hạn chế, tồn tại về nghiệp vụ; tăng cường sự phối kết hợp giữa các lực lượng, gắn với chính quyền địa phương để xử lý tốt các tình huống, vụ việc phức tạp trên địa bàn”, bà Nhuần đề xuất.

Diệp Anh