Tập trung nguồn lực cho các dự án trọng tâm, trọng điểm

- Thứ Năm, 06/05/2021, 08:43 - Chia sẻ
Năm 2021, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy tiến độ xây dựng các dự án giao thông quan trọng như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên... Đây là những dự án quan trọng, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương nói riêng, của đất nước nói chung phát triển.

Thực tế những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông của nước ta đã có bước phát triển đáng kể vậy nhưng về tổng thể vẫn chưa đồng bộ, đặc biệt là tiến độ triển khai các dự án lớn còn chậm. Ví dụ như mục tiêu đặt ra đến năm 2020 phải có 2.000km đường bộ cao tốc nhưng hiện các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam dài khoảng 600km đang thực hiện rất chậm, phải hết năm 2021 mới hoàn thành kế hoạch. Bên cạnh đó là hệ thống đường sắt lạc hậu, năng lực vận tải thấp; hệ thống các cảng hàng không, sân bay phát triển mạnh nhưng quy hoạch chưa bài bản, thiếu đồng bộ.

Hệ thống cảng biển có phát triển nhưng phân tán, thiếu đồng bộ, thiếu các cảng cạn (ICD), thiếu trung tâm logistics làm hạn chế năng lực logistics, ảnh hưởng đến giá thành và tính cạnh tranh của hàng hoá. Đường thuỷ nội địa phát triển chưa tương xứng với năng lực. Giao thông đô thị còn chậm còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng…

Bởi vậy, tại buổi làm việc chuyên đề nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đối với các dự án của ngành Giao thông vận tải diễn ra cuối tháng 7.2000, khi đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh và lập mới các quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, từ đó kế hoạch hoá đầu tư, xác định rõ nguồn lực để có có sở huy động, xác định các dự án ưu tiên triển khai thực hiện. Cần xác định nguồn vốn đầu tư từ xã hội là đặc biệt quan trọng trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả, trước mắt là tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT.

Đối với nguồn vốn đầu tư công, cần xác định rõ các công trình, dự án cần ưu tiên đặc biệt với các tiêu chí cụ thể, từ đó chủ động triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, bảo đảm giải ngân hết vốn, cũng như phát huy vai trò “đòn bẩy” của đầu tư công. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ của ngành giao thông, các cơ quan quản lý trực tiếp về đầu tư xây dựng và chất lượng công trình giao thông.

Còn tại buổi làm việc mới đây, Thủ tướng Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh: Từ quy hoạch, phải xác định được các dự án trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực thực hiện. Phải phát huy tính tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư và một số hình thức đầu tư khác. Các quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Bộ đang xây dựng phải kết nối chặt chẽ, thành mạng lưới giao thông tổng thể quốc gia. Có quy hoạch tốt, có dự án tốt, ắt sẽ có nhà đầu tư tốt - Thủ tướng khẳng định.

Có thể thấy, khối lượng công việc của Bộ Giao thông - Vận tải thời gian tới là rất nặng nề và nhiều khó khăn. Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần quán triệt tinh thần “nghĩ phải chín, phải kỹ; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải cao; nỗ lực phải lớn; hành động phải quyết liệt, hiệu quả; làm có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào thì dứt điểm việc đó”. Trong chỉ đạo, điều hành cần quán triệt nguyên tắc "3 không": Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm.

Giao thông được coi là "mạch máu của nền kinh tế". Bởi vậy, cho dù còn nhiều khó khăn thì điều quan trọng là không được phép để xảy ra "ách tắc". Như ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề để bàn giải pháp xử lý đối với từng việc, từng lĩnh vực...

Khương Ninh