Tập trung phát triển nhà ở xã hội

- Thứ Tư, 21/07/2021, 06:51 - Chia sẻ
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 71 dự án phát triển nhà ở đang triển khai xây dựng, tương ứng với 154.414 căn hộ. Trong đó, có 122.031 căn hộ chung cư, 32.383 căn hộ thấp tầng.
	Tập trung phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, giải quyết nhu cầu cho nhiều hộ gia đình
Tập trung phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, giải quyết nhu cầu cho nhiều hộ gia đình

Cầu lớn, cung chưa đủ

Đối với nhiều người ngoại tỉnh sinh sống và làm việc tại Thủ đô nhiều năm, việc an cư lạc nghiệp từ lâu đã trở thành niềm mong mỏi, cũng như sự trăn trở về một ngôi nhà của chính mình, không phải bấp bênh đi thuê nhà hàng tháng. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến hết năm 2020 xây dựng 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước mới hoàn thành 249 dự án (khoảng 5,21 triệu mét vuông sàn), bằng 41.7% so với kế hoạch.

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng lớn về nhà ở xã hội, cũng như quỹ đất để phát triển, xây dựng các dự án nhà ở xã hội chưa được nhiều địa phương quan tâm đúng mức. Nhiều vị trí quy hoạch xây dựng nhà ở xã hội nằm quá xa trung tâm, không thuận lợi cho việc đi lại, hạ tầng chưa đồng bộ cũng trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhiều người dân chưa tìm được ngôi nhà phù hợp với mình.

Một số khu nhà ở xã hội ở vị trí thuận lợi, có quá nhiều người đăng ký nên buộc phải tổ chức rút thăm để xác định quyền mua nhà. Anh Phan Ngọc Tuân (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm) chia sẻ khi đi rút thăm: “Từ lúc có thông tin nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại KĐT Ecohome 3, đã có rất nhiều người đăng ký. Khi tổ chức rút thăm, tôi cũng mất cả ngày để chờ đợi, may mắn để mua được một căn hộ hơn 50m2 tại đây”. Theo ghi nhận của phóng viên tại KĐT Ecohome 3, ngay khi bàn giao mặt bằng, các chủ nhà đều nhanh chóng hoàn thiện và dọn vào ở ngay khi hoàn tất mọi thủ tục, điều này cho thấy rõ nhu cầu mua và sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố hiện nay là rất lớn.

Trong khi nhà ở giá rẻ khan hiếm thì trên thị trường giá nhà ở lại liên tục tăng. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý IV.2020 và 2 tháng đầu năm 2021, giá bình quân căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 2 - 3% và tại thành phố Hồ Chí Minh tăng 3 - 4% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó phân khúc bình dân có tỷ lệ tăng mạnh nhất. Tương tự, trang thông tin Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận, trong quý I.2021, tại Hà Nội, giá nhà ở phân khúc trung cấp tăng 2%, phân khúc cao cấp và bình dân tăng 1%. Tại thành phố Hồ Chí Minh, giá bán nhà ở tăng 2-3% ở tất cả các phân khúc.

Gỡ khó về chính sách, nguồn vốn

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng Hà Quang Hưng cho biết, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung khoảng 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và khoảng 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội.

Cùng với đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 2461/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương nhiệm vụ lập Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2040. Theo đó, các đơn vị sẽ thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng về nhà ở trên địa bàn thành phố; thực trạng các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ; thực trạng thị trường bất động sản, nhu cầu về nhà ở. Trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030, từ đó xác định quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2040.

UBND thành phố cũng ban hành văn bản số 1743/UBND-ĐT về việc thực hiện chỉ đạo của Thành ủy các nội dung liên quan đến đầu tư  phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố. Trong đó, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, kiểm tra, rà soát quỹ đất 20% (25%) toàn bộ quy hoạch chi tiết dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị (phải bố trí nhà ở xã hội), dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết phải bố trí nhà ở xã hội, kể cả quy hoạch chi tiết phân cấp quận, huyện, thị xã; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, kiểm tra, rà soát dự án đầu tư phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị (phải bố trí nhà ở xã hội).

Hoạt động phát triển nhà ở xã hội là một hành động tốt đẹp với xã hội, nhưng sự san sẻ này cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để các doanh nghiệp có thể thuận lợi hơn trong việc triển khai cũng như tạo tâm lý "sẵn sàng" hơn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy,  Nhà nước cần có các quy định tạo thuận lợi, hỗ trợ nhà đầu tư về nguồn vốn, về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế, bố trí quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội... để giúp thu hút đầu tư vào phân khúc này.

Việt Anh