Hà Tĩnh:

Tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa xuân

- Thứ Tư, 15/04/2020, 07:30 - Chia sẻ
Hiện nay, hầu hết diện tích lúa xuân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang vào giai đoạn ôm đòng - trổ bông, cây lúa phát triển khá tốt. Tuy nhiên, trên một số diện tích đã xuất hiện bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, nạn chuột… gây hại. Để bảo vệ an toàn sản xuất vụ xuân 2020, các ngành chức năng đã và đang tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân kiểm tra, phát hiện và tổ chức phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại lúa.

Chuột, sâu bệnh “tấn công” hàng trăm ha lúa

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà Nguyễn Thị Hải ở xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên) sáng nào cũng chủ động ra đồng thăm ruộng lúa để theo dõi tình hình sâu bệnh. Vụ xuân này, gia đình bà gieo cấy 3 sào, chủ yếu là giống lúa Khang dân 18. Theo bà Hải, năm nay ngoài sâu bệnh như rầy nâu, khô đầu lá, lại có thêm nạn chuột cắn phá lúa, phải làm hình nộm cắm cờ để đuổi chuột, đồng thời rải bã diệt chuột sinh học để phòng trừ… Cũng như bà Hải, vào những ngày cao điểm gia đình chị Nguyễn Thị Hoa cũng vây bắt được cả trăm con chuột.

Không chỉ nạn chuột đồng, bệnh đạo ôn cũng đã và đang có nguy cơ phát sinh diện rộng. Như nhiều hộ dân khác, những ngày này gia đình ông Nguyễn Đức Tiến ở xóm Chương Bình (huyện Thạch Hà) đang tập trung phun thuốc đặc trị phòng trừ bệnh đạo ôn lá xuất hiện gây hại trên một số diện tích. “Theo hướng dẫn của ngành chức năng, gia đình đã mua đúng thuốc, phun đúng liều lượng, đúng thời điểm nên diện tích đã phun đều mang lại hiệu quả, bệnh giảm dần. Đợt này, gia đình đang tiếp tục theo dõi để phun lại lần 2 cho sạch bệnh, giúp cây lúa phát triển tốt”, ông Tiến chia sẻ…


Cán bộ kỹ thuật kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn bà con phòng, trừ dịch hại

Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Thạch Hà Nguyễn Hữu An cho biết: Trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho sâu bệnh phát triển như hiện nay, ngành chuyên môn của huyện thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân bón phân cho lúa cân đối, không bón thừa đạm để hạn chế thấp nhất gây hại và lây lan của bệnh đạo ôn.

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, bệnh đạo ôn đã gây hại hơn 775ha, tập trung cao nhất ở huyện Cẩm Xuyên (610ha), thị xã Hồng Lĩnh (48ha), huyện Đức Thọ, Kỳ Anh cùng 20ha… Tỷ lệ gây hại trung bình đã tăng lên từ 3 - 5% ở giai đoạn trước lên 10 - 15%, cục bộ có những điểm 35 - 40%. Theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Trần Đức Bá, trong tháng 4, khu vực Hà Tĩnh khả năng sẽ chịu ảnh hưởng liên tiếp của 2 - 3 đợt lạnh, số giờ nắng trong ngày ít, nền nhiệt độ khoảng 21 - 23 độ C, độ ẩm 85 - 90%. Vì vậy, nguy cơ giai đoạn lúa vụ xuân trổ tập trung sẽ phải chịu tác động của thời tiết bất thuận, có thể ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn làm giảm năng suất, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh gây hại, đặc biệt bệnh đạo ôn cổ bông.

Tăng cường kiểm tra, phòng trừ kịp thời

Trước tình hình đó, để chủ động phòng trừ các đối tượng dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất vụ xuân 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng đã ban hành công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng chức năng và các xã, phường, thị trấn xử lý dứt điểm diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá để hạn chế tối đa nguồn bệnh phát sinh gây hại trên cổ bông; tập trung phòng trừ chuột, bệnh khô vằn trên các diện tích nhiễm và có nguy cơ nhiễm bệnh. Đồng thời, thành lập các đoàn công tác chỉ đạo phòng trừ dịch hại cây trồng vụ xuân, phân công cán bộ trực tiếp hỗ trợ các địa phương, bà con tổ chức phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả…

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật bám sát cơ sở, kiểm tra, giám sát tình hình lúa trổ bông; thực hiện tốt việc điều tra phát hiện, dự tính dự báo, cảnh báo thời gian phát sinh, mức độ gây hại của dịch. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. “Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện công tác phòng trừ dịch hại kịp thời, đúng quy trình kỹ thuật…”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị.

Kiểm tra thực địa tại một số cánh đồng trên địa bàn tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn ghi nhận: Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã chủ động và kiểm soát tốt dịch bệnh gây hại đến cây trồng vụ xuân, đặc biệt là bệnh đạo ôn trên lúa. “Tuy nhiên, thời tiết đang tiếp tục âm u, không có ánh nắng trong nhiều ngày tới, khả năng nhiệt độ chỉ ở mức ở khoảng 18 - 25 độ C là những dự cảm đáng lo ngại. Trong khi đó, ở một số nơi, cây lúa đang có biểu hiện thừa đạm do bà con chăm bón thiếu cân đối. Hai yếu tố này trở thành môi trường thuận lợi cho dịch bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại…”, ông Sơn nhận định.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật; khuyến cáo những danh mục thuốc phòng trừ đạo ôn hiệu quả, chất lượng; đồng thời hướng dẫn cách phun, thời điểm phun thích hợp để tăng hiệu quả cao nhất của công tác phòng trừ… Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục bám sát, theo dõi diễn biến, kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp phòng trừ kịp thời đối với từng vùng đồng, từng giống lúa. Đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, lồng ghép giữa tuyên truyền về tình hình dịch bệnh Covid-19 với tình hình dịch bệnh trên cây trồng, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông.

Tại Hội nghị trực tuyến Tăng cường biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng vụ đông xuân 2020 ở các tỉnh, thành phố phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết: Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục kiểm tra đồng ruộng để có giải pháp phòng, trừ đối với từng đối tượng sâu bệnh trên cây lúa, cây ăn quả và cây trồng cạn. “Riêng đối với bệnh đạo ôn cổ bông trên cây lúa, tỉnh yêu cầu các địa phương phối hợp với ngành chuyên môn rà soát tình hình sinh trưởng, tiến độ trổ các trà lúa, từng cánh đồng, từng vùng, từng giống có nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông; những vùng lúa tốt, thừa đạm, từ đó khoanh vùng và tổ chức phun thuốc phòng trừ kịp thời…”, ông Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh.

LỆ THANH