Kỷ niệm 60 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển (1961 - 2021)

Tàu HQ-671 - bảo vật quốc gia

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 11:02 - Chia sẻ
Tàu vận tải quân sự số hiệu HQ-671 lưu giữ tại Bảo tàng Hải quân, Hải Phòng, được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia năm 2017. Trong kháng chiến chống Mỹ, tàu vận chuyển gần 1 nghìn tấn vũ khí, hơn 300 cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là "tàu không số" duy nhất còn lại, minh chứng cho những chiến công tiêu biểu của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Tàu HQ-671 trưng bày tại Bảo tàng Hải quân
Ảnh: Vũ Hưởng

Khai thông con đường vận tải

Trong khuôn viên Bảo tàng Hải quân, phía bờ sông Lạch Tray, tàu HQ-671 được trưng bày trên bệ đỡ hình chữ nhật, mặt bệ được ốp bằng đá tự nhiên. Tàu dài 31m, rộng 5,8m, chiều cao từ đáy đến đỉnh cột cờ 11,7m, có hai hầm hàng dùng để vận chuyển hàng hóa. Đầu năm 1967, tàu mang số hiệu C41; tháng 7.1971 mang số hiệu 641 và năm 1980 mang số hiệu HQ-671. 

Tập thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ-671 cũng là thế hệ cán bộ, chiến sĩ từng công tác ở tàu 41, tham gia vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong đó có chuyến đầu tiên mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, tháng 10.1962.

Ngày 19.10.1962, tàu 41 (Phương Đông 1) do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy chở 30 tấn vũ khí cập bến Vàm Lũng (Cà Mau). Thành công của tàu 41 có ý nghĩa quan trọng, là chuyến đi đầu tiên khai thông con đường vận tải trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường xa nhất ở tiền tuyến lớn miền Nam, tạo bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược trong công tác chi viện cho miền Nam đánh giặc.

Ngày 3.10.1963, tàu 41 tiếp tục thực hiện thành công chuyến đột phá chở hàng vào bến mới Lộc An, chi viện cho chiến trường Bà Rịa, góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ.

Sau khi trở về miền Bắc, con tàu nhận vỏ sắt mới, tiếp tục mang phiên hiệu tàu 41. Ngày 6.5.1964, tàu do thuyền trưởng Phạm Vạn và chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy đã vận chuyển thành công 47 tấn vũ khí cập bến Cà Mau.

Các nhân chứng gặp gỡ, chia sẻ nhân dịp kỷ niệm 60 năm mở Đường Hồ Chí Minh trên biển
Ảnh: Vũ Hưởng

Những hải trình sóng gió

Tham dự buổi gặp gỡ nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, Trung tá Hồ Đắc Thạnh, Anh hùng LLVT, nguyên thuyền trưởng tàu 41 kể lại, tàu 41 là tàu vỏ sắt đầu tiên được chọn vận chuyển vũ khí vào bến Khu 5. “Đêm 14.11.1964, tàu rời Bãi Cháy, đến khoảng 16 giờ ngày 26.11.1964, vượt qua giới tuyến tạm thời trên biển. Lúc này, tàu thuyền địch hoạt động nhiều, trên không máy bay trinh sát liên tục, sóng gió càng lớn. Tôi ra lệnh toàn tàu sẵn sàng chiến đấu cao. Ba ngày lênh đênh trên biển, ngoài chịu sóng gió, chúng tôi còn phải 2 lần cơ động tránh tàu tuần tiễu địch”.

Đáng nhớ là, khi máy bay địch từ đất liền bay lượn trên tàu ở độ cao khoảng 100 - 150m, để đánh lừa địch, tàu 41 treo cờ 3 que lên đỉnh cột buồm. Đồng thời, anh em xâu cá, mực đã chuẩn bị cùng chai rượu giơ lên mời chào. Màn ngụy trang của tàu 41 đã đánh lừa được đối phương, bảo toàn lực lượng, chở 63 tấn vũ khí cập bến Vũng Rô thành công, mở ra một bến mới trên Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Chuyến thứ hai, tàu 41 cũng do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy, ngoài vũ khí, còn chở 3 tấn gạo thơm - quà của Bộ Tư lệnh Hải quân tặng cho cán bộ, chiến sĩ Vũng Rô. Chuyến thứ ba, tàu 41 tiếp tục chở hàng vào Vũng Rô, đúng giao thừa Xuân Ất Tỵ (1965), tàu thả trôi nghe Bác Hồ chúc Tết, bốc xong hàng tàu nhanh chóng rời bến trở về Bắc an toàn.

Chiến công nối tiếp chiến công, mỗi cán bộ thủy thủ từng sống, chiến đấu ở Tàu 41 đều có những kỷ niệm khó quên. Anh hùng LLVT Nhân dân Phan Nhạn, nguyên máy trưởng cho biết: “Khi bảo quản và vận hành máy tàu, trong tâm tôi luôn ghi nhớ phải giữ máy tàu như trái tim của một cơ thể con người”. Trong một lần, tàu 41 hành trình vào bến Vàm Lũng bị mắc cạn, ông Nhạn phải dùng xà beng và tay quay máy kê kích để tàu rời cạn, tiếp tục hành trình.

Còn đối với Trung tá Nguyễn Hữu Độ, nguyên Thuyền trưởng tàu 41 đầu những năm 1970, vận chuyển vượt qua vòng vây địch, đưa 58 tấn vũ khí vào bến Hang Hố, Cà Mau là một kỷ niệm đẹp trong suốt năm tháng quân ngũ.

Tham gia giải phóng Trường Sa

Năm 1975, tàu HQ-671 mang số hiệu 641 với những cán bộ, thủy thủ có kinh nghiệm trong vận chuyển vũ khí, đạn dược. Ngay ở những nơi nguy hiểm nhất, tàu 641 cũng đưa hàng vào bến an toàn. Con tàu vinh dự được "bắn phát súng đầu tiên” mở màn cho Đoàn 125 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tàu 641, Đoàn 125 Hải quân vận chuyển vũ khí trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

Ảnh: Tư liệu

Thượng úy Nguyễn Đắc Thớ, nguyên Máy trưởng tàu chia sẻ, dù nhiều lần nhổ neo ra khơi, song chưa bao giờ ông bồi hồi như chuyến đi ấy. “Đó là một buổi chiều, những tia nắng nhạt dần trên biển, tàu 641 nhổ neo. Các chiến sĩ ngồi chật boong tàu, nơi trước kia thường để lưới, để cá, để hàng ngụy trang địch trong lúc chở súng đạn. Phần lớn chiến sĩ còn trẻ, họ không giấu được niềm vui khi được hành quân bằng đường thủy ra chiến trận. Họ ngồi tựa vào các mâm pháo, vào ba lô căng đầy trang thiết bị, quân tư trang cho trận chiến đấu tới. Tàu càng ra xa, sương mù càng dày đặc, sóng lẫn với sương, sương tràn trên sóng. Vậy mà con tàu không đèn, cứ lao trong đêm tối mịt mùng”.

Đến TP Đà Nẵng, cán bộ, thủy thủ tàu 641 lại được lệnh cùng với tàu 673 đưa gấp lực lượng đặc biệt giải phóng các đảo. Lệnh trong vòng hai giờ, tàu phải nhổ neo. Nhiệm vụ khẩn thiết của tàu là ngụy trang, giấu kín người và vũ khí. Ban chỉ huy tàu chọn phương án biến dạng thành tàu cá vượt vùng địch kiểm soát. Đặc công phải giấu mình dưới các dàn lưới, các khoang hàng ngột ngạt và bị sóng lắc dữ dội.

Theo Chuẩn Đô đốc Đỗ Viết Cường, giữa tàu 641 và đặc công luôn phối hợp nhịp nhàng, nhất là phương án đổ bộ. Lúc đầu, tàu định vào cách Sơn Ca 2 hải lý để thực hành đổ bộ, nhưng do nước chảy xiết, xuồng không thể tiếp cận đảo nên chỉ huy trận đánh quyết định cho tàu 641 cơ động ra xa rồi vòng lên phía Tây Bắc đảo tìm vị trí đổ bộ. Lần này, cuộc đổ bộ diễn ra thuận lợi, các chiến sĩ nhanh chóng tiếp cận mép đảo, chiếm lĩnh vị trí, chờ lệnh chiến đấu. 3 giờ ngày 25.4.1975, ta làm chủ hoàn toàn đảo Sơn Ca. Ngày 26.4.1975, tàu 641 được lệnh chở tù binh về Cam Ranh.

Tàu 641 (HQ-671) trực sẵn sàng chiến đấu

Ảnh: Tư liệu

Đầu năm 1988, tàu HQ-671 làm nhiệm vụ trực bảo vệ đảo Đá Lớn. Trước sự uy hiếp của nước ngoài hòng lấn chiếm bãi cạn của ta, cán bộ, chiến sĩ tàu đã kiên quyết đấu tranh, chấp nhận hy sinh, bảo vệ mục tiêu, tránh mọi đụng độ, khiêu khích, đồng thời sẵn sàng lao lên bãi cạn tạo chốt phòng ngự trong tình huống nguy cấp nhất. Sau đó, tàu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa…

Giờ đây, trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Hải quân, về cơ bản tàu HQ-671 từ đài chỉ huy đến các khoang hầm hàng vẫn được giữ nguyên trạng. Giám đốc Bảo tàng Hải quân, Thiếu tá Lê Hồng Tiến cho biết: “Cán bộ, nhân viên Bảo tàng thường xuyên duy trì, bảo quản, vận hành để phát huy tốt giá trị của bảo vật nhằm giáo dục thế hệ trẻ”.

Hương Sen - Vũ Hưởng