Tem điện tử sẽ giải quyết vấn nạn ngành sách?

- Thứ Hai, 25/10/2021, 19:44 - Chia sẻ
Trước thực trạng in lậu và các hành vi vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành ngày càng phức tạp, nhiều nhà xuất bản, đơn vị làm sách đã chủ động tự bảo vệ mình bằng việc sử dụng tem để phân biệt sách thật, sách có bản quyền với sách giả, sách lậu. Tuy vậy, nhiều tem chống giả truyền thống cũng bị làm giả. Trong bối cảnh đó, tem điện tử được kỳ vọng sẽ là giải pháp để ngành xuất bản bảo vệ thị trường, góp phần kết nối đơn vị xuất bản với độc giả, cơ quan quản lý.

Giải pháp công nghệ để phòng, chống in lậu
Chiều 25.10, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo “Ứng dụng tem điện tử vào quản lý sản phẩm in và phòng, chống in lậu”. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Phạm Tuấn Vũ, những năm qua, xuất bản có bước phát triển khá với mức tăng bình quân giai đoạn 2015 - 2019 là 5%. Năm 2020 và 9 tháng năm 2021, chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19, ngành xuất bản chứng kiến bước sụt giảm, với 4% về doanh thu, 9,1% về năng lực sản xuất trong năm 2020; và ước tính giảm sẽ trên 10% trong năm 2021. Để xuất bản lấy lại đà tăng trưởng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm cả các giải pháp phát triển thị trường và bảo vệ thị trường, trong đó ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vấn nạn in lậu là một trong những giải pháp trọng tâm.

Thời gian gần đây, mặc dù các cơ quan quản lý đã triển khai nhiều giải pháp nhưng hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép (gọi chung là in lậu) vẫn tiếp diễn với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Đặc biệt, tình trạng in ấn, phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo lậu diễn ra rầm rộ, tập trung vào dịp đầu năm học mới. Ông Phạm Tuấn Vũ cho rằng, đây thực sự là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản và cả xã hội, bởi việc in ấn, phát hành sách lậu, sách giả không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà xuất bản, đơn vị làm sách mà còn làm méo mó thị trường, khiến những người làm sách, viết sách mất đi động lực, đe dọa sự phát triển ổn định, lành mạnh của ngành xuất bản.

Tem điện tử được kỳ vọng sẽ khắc phục hạn chế của tem truyền thống

Giải pháp cho vấn nạn trên, ngoài các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thì việc ứng dụng công nghệ trong quản lý xuất bản phẩm, nhằm phân biệt sách thật, sách giả và chống in lậu là hết sức quan trọng.

Lâu nay các đơn vị xuất bản đã chủ động bảo vệ mình bằng tem chống giả. TS. Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam chia sẻ: “Sách giáo khoa chiếm tỷ lệ khá lớn, cứ 3 cuốn ngoài thị trường thì có 2 cuốn của NXB Giáo dục. Với số lượng lớn như vậy, để quản lý sách chặt chẽ là vấn đề. Cuối cùng chúng tôi nghĩ ra cách in 1 triệu bản sách thì giao cho nhà in đúng 1 triệu tem, in xong họ sẽ dán và giao sách cho NXB. Nếu 1 cuốn sách không có tem ra ngoài thị trường thì cứ truy gốc gác nhà in đó mà ra. Từ đó chúng tôi có thể yên tâm một phần. Tuy nhiên, dần dần lại xuất hiện nhược điểm, tem cũng bị làm giả, và việc phân biệt tem thật và giả bằng mắt thường rất khó. Hiện nay, NXB Giáo dục đã bước đầu dùng tem công nghệ (tem điện tử) với một số hình dạng, hoa văn và số đặc điểm bí mật giấu trong tem, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế”.

Nhiều đơn vị xuất bản chia sẻ từng sử dụng nhiều loại tem nhưng vẫn bị làm giả và được bán tràn lan; từng có ý tưởng làm tem từ, nhưng chi phí khá cao trong khi lợi nhuận của ngành sách thấp; dù dán tem, việc phòng, chống sách lậu hiệu quả chưa cao do một số người đọc vẫn chọn sách giá rẻ...

Bảo vệ sách thật, phát triển thị trường 

Tại hội thảo, nhiều đơn vị đã giới thiệu các sản phẩm tem chống giả kỹ thuật số, với nhiều lớp bảo mật: mã QR, số ký tự, mã phủ nhũ dành cho người dùng (chỉ xác thực được 1 lần), hình ảnh nhãn hiệu... 

Có thể thấy, ứng dụng vào lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, ngoài việc giúp cho quản lý xuất bản phẩm được tốt hơn, các dữ liệu ở tem điện tử còn giúp nhà xuất bản, đơn vị làm sách biết chính xác thị hiếu đọc của thị trường, theo lứa tuổi, khu vực... và nắm bắt kịp thời sự thay đổi này theo thời gian. Ngoài ra, việc sử dụng tem điện tử sẽ nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là Cục Xuất bản, In và Phát hành đối với các đơn vị trong ngành, giúp kết nối cơ quan quản lý với các đơn vị và người đọc nhờ dữ liệu liên thông trong suốt quá trình từ khi cấp phép tới khi sách đến tay người đọc. 

Ứng dụng giải pháp tem công nghệ phải đi cùng tuyên truyền, tạo thói quen sử dụng sách thật, và xử lý nghiêm hành vi làm sách giả

Các nhà xuất bản kỳ vọng, tem điện tử sẽ giải quyết được những hạn chế của tem truyền thống. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn. Đại diện NXB Kim Đồng cho rằng, tem chỉ dành cho nhà xuất bản và cơ quan chức năng xác định hàng giả hay hàng thật, để đơn vị làm sách có thể tự bảo vệ mình. Còn khó kỳ vọng người mua sách quét mã để mua đúng sách thật trong điều kiện hiện nay, vì sách giả làm giống sách thật đến 90% và rẻ hơn. Người mua ít để ý đến tem chống giả sau sách, vì giá trị, tính năng sử dụng của sách giả và sách thật na ná nhau. Nếu văn hóa đọc sách thật được hình thành, chỉ cần 50% người mua sách quét mã QR thì sách giả mới dần hết đất sống...

Tuy vậy, tem điện tử được coi là xu thế đưa công nghệ vào ngành xuất bản, in và phát hành trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho rằng, trước đây tem truyền thống chủ yếu bảo vệ thị trường, ngày nay, tem công nghệ có thể góp phần phát triển thị trường. Bởi vậy, đây là cơ hội để các đơn vị kết nối tìm giải pháp bảo vệ ngành sách. Xuất bản, về bản chất các nước đều xác định là ngành công nghiệp nội dung, gắn chặt với sự sáng tạo, nên phải bảo vệ bản quyền, sáng tạo mới có thể phát triển. Hơn thế, tem điện tử không đơn thuần là giải pháp kỹ thuật, mà là giải pháp công nghệ, trong con tem thậm chí có thể chứa đựng nội dung của cuốn sách, có thể kết nối người làm sách với độc giả và đơn vị quản lý. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nguyên cũng khẳng định, tem chỉ là một giải pháp để phòng, chống in lậu. Phải nâng cao ý thức người dùng bằng việc tuyên truyền để độc giả có ý thức sử dụng sách thật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bản quyền. Ngành sách đang hướng tới sự phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, năm 2030 dự kiến đạt 700 - 800 triệu bản sách. Với thị trường đầy tiềm năng như vậy, các đơn vị làm tem, đơn vị xuất bản cần hợp tác chặt chẽ để bảo vệ sách thật.

Ngọc Phương