Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Thạch Thất cán đích

- Thứ Hai, 28/09/2020, 06:24 - Chia sẻ
Mới đây, Đoàn thẩm định Nông thôn mới Trung ương đã tổ chức Hội nghị thẩm định đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đối với huyện Thạch Thất. Theo Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến, đối chiếu các tiêu chí, Thạch Thất đã đầy đủ các điều kiện để trình Chính phủ xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020.

Kinh tế phát triển, thu nhập tăng nhanh

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Thạch Thất luôn tăng trưởng ổn định, bình quân đạt 14,92%/năm; các chỉ tiêu pháp lệnh đều đạt và vượt kế hoạch thành phố Hà Nội giao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, hệ thống chính trị, dân chủ cơ sở được củng cố và ngày càng phát huy.

Một trong những điểm nhấn trong thực hiện xây dựng NTM của huyện được đoàn thẩm định NTM Trung ương đánh giá cao là việc tập trung phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập của người dân. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt chỉ 13,1 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2019 đã tăng lên đến 63 triệu đồng/người/năm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoàng Chí Lượng cho biết: “Thạch Thất đã tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp thông qua việc thực hiện tốt khâu dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện nhiều giải pháp phát huy thế mạnh các làng nghề, làng có nghề. Nhờ đó, thu nhập bình quân liên tục tăng nhanh, vấn đề việc làm của người dân địa phương cơ bản được giải quyết”.

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thất, huyện đã hoàn thành 2.171/2.057ha, vượt 5,5% so với kế hoạch được thành phố giao về dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện để người dân liên kết xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung. Toàn huyện hiện có 121 mô hình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp đã được UBND huyện phê duyệt với diện tích 74,7ha và 314ha từ đất trồng lúa, trồng cây màu sang trồng cây ăn quả, rau và hoa các loại. Các mô hình sản xuất nông nghiệp được tập trung quy hoạch sản xuất theo hướng hàng hóa, vì vậy nhiều mô hình đã mang lại thu nhập cao cho người dân với doanh thu từ 350 - 500 triệu đồng/ha/năm. Không chỉ vậy, Thạch Thất cũng phát triển chăn nuôi theo hướng mô hình kinh tế trang trại, gia trại tập trung xa khu dân cư với tổng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 2 triệu con. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 144 trang trại chăn nuôi, có mức đầu tư từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng, một số trang trại đầu tư tới 10 tỷ đồng. Các trang trại này mang lại doanh thu bình quân 300 triệu đồng/trang trại/năm, cá biệt có một số trang trại cho thu nhập tới 2,5 tỷ đồng/năm.

Theo đánh giá của Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến, huyện Thạch Thất đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập cho người dân - một trong những yêu cầu cốt lõi giúp tạo ra nội lực lớn trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn Hà Nội. Sau 10 năm triển khai, thu nhập bình quân của huyện tăng thêm 49,9 triệu đồng so với năm 2010. Thành quả cùng với những bước đi, cách làm đúng Thạch Thất đang thực hiện sẽ giúp huyện đạt được mục tiêu đến cuối năm 2020 nâng mức thu nhập bình quân đạt khoảng 70 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,31%.

Kinh tế phát triển, đời sống người dân huyện Thạch Thất ngày càng được cải thiện.
Ảnh: Tường Vy

Hạ tầng nông thôn được cải thiện

Trong 10 năm xây dựng NTM, huyện Thạch Thất đã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và phục vụ đời sống của người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Kim Loan cho biết, từ năm 2011 đến nay, huyện đã huy động được trên 4.181 tỷ đồng xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu. Về giao thông, huyện đã xây dựng mới 161km đường liên xã, liên thôn và ngõ xóm; cải tạo, nâng cấp 375km, 100% các tuyến đường đều đạt tiêu chuẩn về chiều rộng theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải, tỷ lệ đường ngõ xóm được bê tông hóa đạt 98%. Theo đó, các xã thường xuyên phát động Nhân dân, các tổ chức đoàn thể tham gia phong trào làm vệ sinh môi trường các tuyến đường, vận động Nhân dân tự tháo dỡ vi phạm hành lang an toàn giao thông dưới lòng đường, lề đường và vỉa hè.

Về thủy lợi, toàn huyện đã cứng hóa được trên 170km kênh mương thủy lợi. Đến nay, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất cho 100% diện tích sản xuất nông nghiệp và bảo đảm tiêu thoát nước trong khu dân cư. Hệ thống điện cũng được quan tâm nâng cấp và cải tạo, từ năm 2011 đến nay đã đầu tư, nâng cấp 225 trạm biến áp và trên 510km đường điện trung thế, hạ thế phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân với tổng mức đầu tư khoảng 670 tỷ đồng. Không chỉ vậy, các công trình trường học, nhà văn hóa, chợ nông thôn... được đầu tư khang trang, hiện đại. 100% các xã có nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, không có nhà tạm, dột nát, xuống cấp. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Kim Loan chia sẻ, bước vào xây dựng NTM với các tiêu chí đạt thấp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, song huyện Thạch Thất luôn chủ động, tích cực lồng ghép, huy động các nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng nông thôn. Nhờ đó, diện mạo NTM trên địa bàn huyện ngày càng khang trang, hiện đại. Các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng cơ bản đều được kiểm soát chặt, quy mô từng dự án theo đúng mục tiêu, lĩnh vực được phê duyệt, nên từ năm 2016 đến nay trên địa bàn huyện Thạch Thất không có nợ xây dựng cơ bản.

Tập trung khắc phục vấn đề môi trường

Đến nay, 21/21 xã của huyện Thạch Thất đã được thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, có 9/9 tiêu chí đạt theo Bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5.4.2016 của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cũng đã triển khai lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân, số lượng hộ dân lấy ý kiến là 37.300/56.543 hộ, chiếm 66%. Đại đa số các hộ dân đều đồng tình, hài lòng với kết quả, quá trình tổ chức thực hiện xây dựng NTM của huyện Thạch Thất. Bên cạnh đó, đến hết ngày 13.7.2020, UBND TP Hà Nội đã nhận được tất cả ý kiến tham gia, nhận xét của các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố, UBND các huyện, thị và Nhân dân. Theo đó, các tổ chức, cá nhân và Nhân dân trên địa bàn thành phố đều nhất trí đề nghị cấp thẩm quyền xét, công nhận huyện Thạch Thất đạt chuẩn NTM năm 2020.

Mới đây, Đoàn thẩm định Nông thôn mới Trung ương cũng đã tổ chức Hội nghị thẩm định đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đối với huyện Thạch Thất. Tại hội nghị, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến khẳng định, đối chiếu các tiêu chí, Thạch Thất đã đầy đủ các điều kiện để trình Chính phủ xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020. Tuy nhiên, huyện cần chú ý đến công tác bảo vệ môi trường bền vững. Cục trưởng đề nghị, trong kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, huyện Thạch Thất cần tập trung giải pháp vào việc kiện toàn và cải thiện hệ thống xử lý nước thải làng nghề, xử lý nước thải trong khu dân cư.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Kim Loan khẳng định, tổng quan các tiêu chí liên ngành về môi trường của huyện Thạch Thất đều bảo đảm quy định. Tuy nhiên, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề chưa thực hiện thủ tục hồ sơ môi trường, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và có chế tài xử phạt theo pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng giải pháp cụ thể khắc phục các vấn đề về môi trường, góp phần xây dựng huyện Thạch Thất với môi trường xanh, kinh tế phát triển, nếp sống văn minh, hiện đại.

Đào Cảnh