Thách thức bộn bề đối với Thủ tướng tương lai của Nhật Bản

- Thứ Ba, 14/09/2021, 06:20 - Chia sẻ
Trong thời buổi Covid-19, năng lực quản lý đại dịch được coi là tiêu chí đánh giá quan trọng đối với giới lãnh đạo trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng. Việc đăng cai Thế vận hội trong thời kỳ đại dịch là một trong những nguyên nhân khiến cho Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga phải quyết định không tiếp tục tranh cử. Đây chắc chắn cũng sẽ là thách thức lớn đối với Thủ tướng tương lai của Nhật Bản.
Một góc Tokyo
Nguồn: AFP

Kiểm soát dịch là chìa khóa

Theo EAF, thực tế, Thủ tướng Suga không giành được nhiều uy tín từ việc tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020, thậm chí sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo này rơi xuống chỉ còn 27%, buộc ông phải chấp nhận sự thật rằng mình sẽ phải ra đi. Vào ngày 3.9, ông tuyên bố chính thức sẽ không tranh cử vào vị trí lãnh đạo đảng vào ngày 29.9, tạo tiền đề cho một Thủ tướng mới lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) tham gia cuộc tổng tuyển cử ở Nhật Bản.

Việc lựa chọn lãnh đạo mới của LDP được ví như “con tin” giữa hai lực lượng phản công. Một là, nội bộ đảng mong muốn giữ vững và tăng ghế trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới (dự kiến diễn ra không muộn hơn ngày 21.10). Hai là, áp lực gia tăng trong đảng để hướng tới thay đổi thế hệ. Khi lựa chọn Chủ tịch đảng tiếp theo và Thủ tướng tương lai, LDP phải cố gắng đáp ứng cả hai điều kiện trên nếu Nhật Bản muốn tránh bất ổn chính trị và sự trở lại của các Thủ tướng “xoay vòng”.

Đối với bất cứ ai ở ngồi ở ghế nóng, việc kiểm soát được đại dịch Covid-19 sẽ chiếm ưu thế. Người kế nhiệm của Thủ tướng Suga phải thể hiện năng lực quản lý đại dịch trong mắt cử tri. Điều này đặc biệt quan trọng bởi vì cử tri Nhật Bản thường có xu hướng tham gia bỏ phiếu đông hơn khi họ không hài lòng với đảng cầm quyền.

Ông Suga giành được quyền lãnh đạo từ ông Shinzo Abe vào tháng 9.2020 sau quyết định từ chức của nhà lãnh đạo này vì lý do sức khỏe. Theo nhiều nhà quan sát, trở thành Thủ tướng vào tháng 9.2020 là “sự dũng cảm”, vì nhiều người có tham vọng lãnh đạo khác có cơ sở phe phái ủng hộ mạnh mẽ hơn đã tỏ ra ngần ngại chạy đua vào ghế nóng vào thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp lúc đó.

Đối vấn đề tiêm chủng ngừa Covid-19, quan điểm thường trực của Thủ tướng Suga luôn là “phải cố gắng nhiều hơn nữa”.  Tuy nhiên, việc mua vaccine diễn ra chậm chạp và những trở ngại về hậu cần khiến cho quá trình triển khai chiến lược phủ sóng vaccine trì hoãn. Áp lực đè nặng lên khu chăm sóc tích cực của các bệnh viện trong bối cảnh Nhật Bản là nước có tỷ lệ già hóa dân số cao, trở thành thách thức lớn đối với Thủ tướng Suga khi biến chủng Delta hoành hành mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng Suga còn phải đối mặt với những gánh nặng khác. Theo Luật về các biện pháp đặc biệt để chuẩn bị và ứng phó với đại dịch cúm và các bệnh truyền nhiễm mới của Nhật Bản, các biện pháp sẵn có của chính phủ để kiểm soát sự lây lan của virus dựa trên các ràng buộc tự nguyện đối với doanh nghiệp và rộng hơn là xã hội. Ban đầu, các biện pháp khuyến khích tài chính và bồi thường cho các doanh nghiệp đóng cửa sớm hoặc đóng cửa hoàn toàn tỏ ra có hiệu quả. Thủ tướng Suga đã đi trước với chiến dịch GoTo Travel, cung cấp các khoản trợ cấp của chính phủ cho việc đi lại trong nước để kích thích phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, ông bị buộc phải tạm dừng chương trình bốn lần.

Bê bối kéo dài của LDP bắt đầu từ thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe khiến nhiều nỗ lực trên cương vị Thủ tướng của ông Suga trở nên mờ nhạt. Kết quả là LDP đã thua cả 3 cuộc bầu cử giữa kỳ bổ sung 3 ghế tại Hạ viện (2 cuộc được tổ chức vào tháng 4.2021 và LDP không tham gia tranh cử ở cuộc đua thứ 3). Sự thể hiện kém cỏi của LDP trong cuộc bầu cử tại Tokyo vào tháng 7 tiếp tục được nối dài bằng thất bại ê chề của ứng cử viên do ông Suga hậu thuẫn trong cuộc bầu cử thị trưởng Yokohama vào tháng 8.

Phản ứng của ông Suga đối với tình trạng khẩn cấp khi dịch bệnh bùng phát được cho là quá cứng nhắc. Vào ngày 3.2.2021, Thượng viện Nhật Bản thông qua các đạo luật chống đại dịch, cho phép thống đốc các tỉnh áp dụng biện pháp trừng phạt đối với những doanh nghiệp không tuân thủ các biện pháp hạn chế phòng dịch và đối với những cá nhân từ chối nhập viện.

Tuy nhiên, thay vì áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt này, Thủ tướng Suga lại gây ra làn sóng lên án vì phớt lờ những lời kêu gọi hủy bỏ Thế vận hội giữa lúc dịch căng thẳng, tiếp tục tổ chức bất chấp tình trạng khẩn cấp đã được ban bố ở Tokyo vào ngày 8.7. Cuối cùng, ông trở thành nạn nhân của những biện pháp đối phó chưa hiệu quả với Covid-19 của mình. Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, mặc dù điều đó hiện đang được cải thiện.

Điểm mặt các ứng cử viên

Bất chấp thách thức của đại dịch, không thiếu ứng cử viên đang muốn tham gia cuộc đua thay thế Thủ tướng Suga. Cuộc thăm dò gần đây cho thấy, Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono là sự lựa chọn đa số trong công chúng. Nếu ông Kono có thể rũ bỏ sự trì trệ trong chương trình triển khai vaccine nhờ những giám sát của mình, ông là người có nhiều khả năng sẽ kéo đảng LDP tiến tới thay đổi thế hệ.

Bà Sanae Takaichi, cựu Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông, mặc dù nhận được sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Abe, nhưng lại thiếu kinh nghiệm thực chất trong các vai trò cấp cao, cũng như thiếu sự ủng hộ của các phe phái chính trị. Phó Tổng thư ký Seiko Noda không có cơ sở phe phái nào, nhưng bà có thể tái tạo thành công của ông Suga trong việc tạo ra sự ủng hộ đa phương diện. Trong khi đó, ứng cử viên sáng giá Fumio Kishida đứng đầu phe riêng của mình và rất nỗ lực trong việc nâng cấp xếp hạng bản thân.

Theo một số nhà phân tích, ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo tiếp theo sẽ có rất ít thời gian để thuyết phục cử tri trước khi đối mặt với thùng phiếu. Vì vậy, để không mất đa số trong Quốc hội, LDP phải lựa chọn được nhân vật đủ mạnh, nhất là người có khả năng thuyết phục được cử tri về khả năng kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.

Ngọc Minh