Thái Nguyên đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa vùng nông thôn

- Thứ Ba, 31/08/2021, 05:44 - Chia sẻ
Ngoài 13 đô thị hiện hữu, đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu có thêm 6 đô thị mới. Mặc dù còn nhiều khó khăn song tỉnh đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa vùng nông thôn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Khu đô thị mới đang được hoàn thiện trên địa bàn thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên
Ảnh: Tường Vy

Bước chuyển mình ở Phổ Yên

Từ một xã thuần nông, Đồng Tiến giờ đã là một phường có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tốp đầu của thị xã Phổ Yên. Theo Chủ tịch UBND phường Lý Thái Việt, Đồng Tiến đã có được vóc dáng đô thị thực chất với hạ tầng ngày cơ sở khang trang, hiện đại. Từ một xã có 95% dân số làm nông nghiệp, sau 5 năm thực hiện đô thị hóa, cơ cấu kinh tế của phường đã chuyển dịch 85% sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Mức thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt, từ 15 - 20 triệu đồng/người/năm trước đây lên 50 - 90 triệu đồng/người/năm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Chiến là một trong rất nhiều gia đình có kinh tế thay đổi rõ rệt. Tháng 7.2015, theo chủ trương của tỉnh, xã Đồng Tiến phấn đấu đạt đủ các tiêu chí lên phường nên phần lớn đất ruộng của gia đình ông được giải phóng để làm đường giao thông và xây dựng một số công trình. Không còn ruộng, ông Chiến cùng gia đình mở xưởng gia công cửa cuốn để ổn định kinh tế. Sau nhiều năm gây xựng, ông đã thành lập được doanh nghiệp riêng với doanh thu khoảng 30 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động tại địa phương. Ông Chiến chia sẻ: “Từ khi đô thị hóa, chúng tôi chuyển đổi sang các nghề khác thì thu nhập cao gấp nhiều lần. So với trước đây, đời sống người dân Đồng Tiến khấm khá hơn rất nhiều”.

5 năm qua, Phổ Yên từ huyện thuần nông đã từng bước chuyển mình thành đô thị loại III vào năm 2019 và tiếp tục phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025. Giai đoạn 2021 - 2023, thị xã dự kiến triển khai đầu tư xây dựng 75 công trình hạ tầng kỹ thuật, mở rộng không gian đô thị với tổng vốn đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Bùi Văn Lương cho biết: Hiện, thị xã đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đô thị loại III, xây dựng 9 xã trong quy hoạch nội thị trở thành phường. Đối với 6 xã khu vực ngoại thị, thị xã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới với nội dung cụ thể về đầu tư hạ tầng kỹ thuật và sắp xếp lại sản xuất. “Phổ Yên đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất chú trọng và luôn tập trung nhiều giải pháp phát triển ngành nông nghiệp để nâng cao thu nhập đồng đều cho người dân”, Bí thư Thị ủy Phổ Yên khẳng định. 

Đối với Phổ Yên, quá trình đô thị hóa luôn bám sát định hướng: “Đô thị và nông thôn cùng phát triển cân bằng, có tính chất tương hỗ lẫn nhau, phát triển đô thị công nghiệp nhưng không bỏ ngỏ các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn”. Nhờ đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số người dân. Trong thời gian ngắn, kinh tế - xã hội của thị xã đã đạt những kết quả vượt bậc như: Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2020 ước đạt trên 758.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với giá trị năm 2015; thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người/năm…

Tập trung phát triển hạ tầng

Cùng với Phổ Yên, huyện Phú Bình cũng đang có bước chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình trở thành thị xã Phú Bình vào năm 2025. Hiện, Phú Bình đang tập trung đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư với hạ tầng hiện đại nằm dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và gần các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Đây là chiến lược đô thị hóa gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Hướng đến mục tiêu cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025, ngoài cơ cấu kinh tế, huyện đã đạt một số tiêu chí như: Quy mô dân số; số đơn vị hành chính trực thuộc; diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, nhiều tiêu chí khác đang gặp khó khăn, điển hình là hạ tầng kỹ thuật.  

Khó khăn của Phú Bình cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương đang xây dựng các đô thị mới trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu đạt tỷ lệ đô thị hóa 40,5%, giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên xác định tập trung phát triển hạ tầng cơ sở, trong đó dành nguồn lực đầu tư cho khu vực phía Nam. Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hoàng Đức Khánh cho biết: Ngoài 13 đô thị hiện hữu, đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu có thêm 6 đô thị mới. Sở Xây dựng đã rà soát, đánh giá rất kỹ hiện trạng và xác định tiêu chí hạ tầng đang gặp khó khăn và cần nhiều nguồn lực đầu tư. Tỉnh cũng đã có kế hoạch bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ các địa phương xây dựng một số công trình, dự án trọng điểm phát triển các khu đô thị mới hiện đại gắn với môi trường sinh thái để tạo điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc đô thị cũng như đầu tư hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng rất nỗ lực, quyết tâm thực hiện quy hoạch bài bản, mời gọi đầu tư các dự án để có nguồn xã hội hóa, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng đô thị. 

Những năm qua, tiến trình đô thị hóa ở Thái Nguyên được đẩy mạnh, song hành với đó là các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,3%/năm, vươn lên đứng thứ 2 trong vùng thủ đô, đứng đầu khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ. Kết quả đó cho thấy định hướng đúng đắn của Thái Nguyên trong phát triển đô thị nông thôn, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Đào Cảnh