Thái Nguyên kỷ niệm trọng thể 190 năm ngày thành lập tỉnh

- Thứ Sáu, 29/10/2021, 23:19 - Chia sẻ
Tối 29.10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm ngày thành lập tỉnh (4.11.1831- 4.11.2021) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị...

Cùng dự lễ kỷ niệm có đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể các cơ quan Trung ương; đại biểu lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm thực hiện nghi lễ chào cờ. 

Diễn văn kỷ niệm do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải trình bày khẳng định: Với diện tích 3.500km², dân số trên 1,3 triệu người, Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ và đang phát triển trở thành một trong những trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Thủ đô Hà Nội.

Đây là địa bàn chiến lược về quốc phòng - an ninh, nơi đóng trụ sở Bộ tư lệnh cùng nhiều cơ quan khác của Quân khu 1. Với vị trí chiến lược đặc biệt, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1947 đến năm 1954, Thái Nguyên được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm An toàn khu (ATK). Suốt thời gian đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã làm tròn sứ mệnh bảo vệ “Thủ đô kháng chiến”. Tại đây, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra nhiều quyết sách quan trọng, đặc biệt là quyết định mở chiến dịch Biên giới Thu-Đông (1950) và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954).

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại Lễ kỷ niệm. 

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn phát huy truyền thống yêu nước, anh dũng, kiên cường, cùng với quân và dân cả nước đấu tranh giành nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kể từ khi tái thành lập tỉnh (ngày 1-1-1997), Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Đến nay, quy mô kinh tế Thái Nguyên không ngừng mở rộng; giá trị xuất khẩu đứng thứ 4 cả nước; thu ngân sách đứng trong tốp 20 cả nước; tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,48%, riêng năm 2020 là 4,24%, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, tỉnh thuộc tốp 15 tỉnh, thành phố có chỉ số cạnh tranh tốt nhất cả nước.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, GDP bình quân đầu người của tỉnh ngày càng tăng, từ 51 triệu đồng/người/năm năm 2015 lên gần 90 triệu đồng/người/năm năm 2020. Quy mô và chất lượng giáo dục trong tỉnh ngày càng nâng lên; công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang được kiểm soát tốt; hệ thống y tế không ngừng được củng cố, phát triển từ tuyến tỉnh đến cơ sở; chính sách an sinh xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm mạnh, từ 11,21% năm 2016 xuống còn 2,82% năm 2020. Đặc biệt, công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm

Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 100 triệu đồng/người/năm trở lên…

Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thái Nguyên luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Các thế hệ người dân Thái Nguyên luôn cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng, quật cường trong chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chúc mừng, biểu dương những thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong những năm qua. Phó thủ tướng nhấn mạnh, Thái Nguyên là một trong những tỉnh trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội; có điều kiện tự nhiên, tài nguyên đa dạng, phong phú, diện tích rộng lớn.

Vì vậy cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Trước hết, tỉnh cần tập trung quán triệt, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tăng cường xây dựng nền hành chính hiện đại, tinh gọn, năng động, hiệu lực, hiệu quả; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát triển nông nghiệp hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư; tăng cường liên kết vùng, tạo động lực phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ về y tế, giáo dục đào tạo, du lịch, vận tải. Chú trọng xây dựng chính quyền điện tử, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chuyển đổi số.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất, Cờ thi đua của Chính phủ tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cần chú trọng giữ gìn, phát triển văn hóa, xã hội, coi trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh chăm lo cho gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, nâng cao toàn diện đời sống của nhân dân; xây dựng văn hóa, con người Thái Nguyên phát triển toàn diện. Đặc biệt, cần quan tâm kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, giữ ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; coi trọng công tác quản lý cán bộ, đảng viên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ hợp lý, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới. Cùng với đó, cần tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất và Cờ thi đua của Chính phủ tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. 

Theo TTXVN