ĐBQH TP. Hải Phòng

Tham gia tích cực vào các nội dung ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 00:07 - Chia sẻ
Ngày 21.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước.
Thảo luận tại Tổ 03 về kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và ngân sách Nhà nước
Thảo luận tại Tổ 03 về kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và ngân sách Nhà nước

Tổ số 3 gồm các ĐBQH chuyên trách, ĐBQH ở Trung ương thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang.

Đặt trọng tâm vào thích ứng an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội và cho rằng các báo cáo được chuẩn bị kỹ, công phu, trách nhiệm, đánh giá khách quan, thẳng thắn, thực hiện đúng phương châm mà Tổng Bí thư đã nêu là không tô hồng cũng không bôi đen mà nhìn thẳng vào thực tiễn.

Các đại biểu quan tâm đến chiến lược phòng chống dịch bệnh và chương trình phục hồi kinh tế được thiết lập làm sao bảo đảm hiệu quả, với quan điểm là không nóng vội, chủ quan, tránh tình trạng chuyển từ cực này sang cực khác, cảnh giác với các nguy cơ dịch bệnh có thể quay trở lại; nhấn mạnh việc đổi mới tư duy trong công tác phòng chống dịch, đặt trọng tâm vào phòng chống dịch thích ứng an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả, với chiến lược bao phủ vaccine và 5K cùng với ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, đề nghị cần phải chú trọng đánh giá kỹ hơn một số mặt về nhận thức, bên cạnh việc coi Covid-19 là thách thức khó khăn nhưng cũng là cơ hội để nhìn nhận thực trạng nền kinh tế, công tác chỉ đạo điều hành, sức chống chịu của nền kinh tế coi đây là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số; đánh giá kỹ hơn những mặt được, tồn tại, hạn chế, vấn đề phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, quan hệ phối hợp giữa các bộ ngành và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch; nâng cao năng lực thực hiện, kỷ luật, kỷ cương, công tác thông tin truyền thông và đánh giá tác động sâu hơn đối với lĩnh vực xã hội, quốc phòng – an ninh và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ĐBQH TP. Hải Phòng tham gia thảo luận tại Tổ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ĐBQH TP. Hải Phòng phát biểu

Về giải pháp mang tính chiến lược, các đại biểu nhấn mạnh phòng, chống dịch bệnh gắn liền với phát triển kinh tế và an sinh xã hội và phòng chống thiên tai; lưu ý bảo đảm đủ nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh lâu dài. Cùng với đó cần tiếp tục chú trọng hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển bởi qua thực tiễn phòng, chống Covid-19 cho thấy tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu nên hết sức chú trọng vấn đề này, đánh giá đúng tình hình và chủ động các phương án.

Đại biểu đồng tình và đánh giá cao các giải pháp mà Chính phủ đề ra và những vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý và đề nghị cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp này. Đồng thời nhấn mạnh, trong phòng, chống dịch bệnh khâu dự báo là rất quan trọng do đó cần có dự báo chính xác tình hình, đẩy mạnh sự tham gia của khoa học, công nghệ; đề cao mức độ tuân thủ của xã hội, tránh chủ quan và có chế tài xử lý vi phạm; bên cạnh phủ rộng tiêm vaccine cũng cần quan tâm đến tìm kiếm nguồn thuốc chữa, nghiên cứu sản xuất thuốc chữa Covid-19. Trong phương hướng phát triển kinh tế năm 2022 cần quan tâm đến phát triển kinh tế xanh, chú trọng đến các biện pháp để phát triển bền vững như khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên; cần nhận diện và có tính toán thêm các chỉ số phản ánh đúng sức khỏe thực chất của nền kinh tế bên cạnh chỉ số GDP.

Tại điểm cầu Hải Phòng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Trần Lưu Quang chủ trì thảo luận
Tại điểm cầu Hải Phòng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Trần Lưu Quang chủ trì thảo luận
Ảnh: Báo Hải Phòng

Tại điểm cầu Hải Phòng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Trần Lưu Quang chủ trì thảo luận. Tham gia ý kiến, các đại biểu cơ bản thống nhất cho rằng: Nội dung các báo cáo đã cơ bản đánh giá đúng mức, làm rõ kết quả đạt được năm 2021 và giải pháp trọng tâm năm 2022. Song do tác động của dịch bệnh cũng bộc lộ nhiều bất cập hạn chế cần quan tâm xem xét, nhất là ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội. Các ĐBQH TP. Hải Phòng cũng góp ý một số ý kiến quan trọng về vấn đề chuyển đổi số;  xử lý rác thải, nước thải; điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế bảo đảm phát triển hài hòa giảm tác động của đại dịch.

Đại biểu Lã Thanh Tân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách thành phố cho rằng: Việc xây dựng cơ chế cần xóa bỏ rào cản theo hướng tạo thuận lợi về quản lý nhưng người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng. Về chuyển đổi số cần xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất điều hành từ Trung ương đến cơ sở.

Quốc hội đã có những quyết sách chưa từng có ngay từ đầu nhiệm kỳ

Đại biểu cho biết qua tiếp xúc cử tri và tiếp nhận các ý kiến đánh giá cho thấy, trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cơ bản đạt kết quả tích cực. Đến nay tình hình cơ bản kiểm soát dịch bệnh, từng bước giảm ca mắc và tỉ lệ tử vong, kinh tế - xã hội dần phục hồi. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt, cử tri nhấn mạnh Quốc hội, đã có những quyết sách hết sức mạnh mẽ, chưa từng có ngay từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội ban hành Nghị quyết để giao cho Chính phủ được thực hiện các biện pháp chủ động, linh hoạt, chưa từng có tiền lệ trong phòng, chống dịch bệnh.

Trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngoài các phiên họp thường kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành các phiên họp bất thường để xem xét ban hành các Nghị quyết cho p

Đại biểu Lã Thanh Tân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách thành phố
Đại biểu Lã Thanh Tân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách thành phố phát biểu tại điểm cầu TP. Hải Phòng
Ảnh: Báo Hải Phòng

hép Chính phủ ban hành một số quy định khác với quy định của luật hiện hành nhằm phòng, chống dịch bệnh; ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động và mới đây nhất là chính sách miễn giảm thuế. Điều này thể hiện tinh thần đồng hành với Chính phủ, với đất nước để ban hành kịp thời giải quyết ngay những vấn đề cuộc sống.

Thảo luận, cho ý kiến hai dự án Luật

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Cảnh sát cơ động. Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Sau đó, các ĐBQH thảo luận tại tổ cho ý kiến về hai Dự án Luật trên. Tại điểm cầu Hải Phòng, các ĐBQH thành phố thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động sửa đổi; bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đại biểu Vũ Thanh Chương nhấn mạnh: Dự án Luật Cảnh sát cơ động là điều kiện cần thiết để xây dựng lực lượng đặc biệt, tinh nhuệ, nhanh, mạnh, chính quy, hiện đại của Công an Nhân dân; một số quy định về thẩm quyền, quyền hạn của Cảnh sát cơ động cần được nghiên cứu rà soát bảo đảm tính khả thi; có thể xem xét giao Bộ Công an hướng dẫn để phù hợp tình hình, hạn chế việc sửa đổi.

Góp ý vào dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ĐBQH Tống Văn Băng nhất trí cao với nội dung như dự thảo và cho rằng, quyền đăng ký, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học - công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước nên trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi hoàn.

TUẤN NGUYÊN