Thảm họa cháy rừng chưa từng có tại Hy Lạp

- Thứ Tư, 11/08/2021, 06:28 - Chia sẻ
Trong suốt hơn một tuần qua, Hy Lạp đã và đang phải đối mặt với cháy rừng tàn phá hòn đảo lớn thứ hai tại quốc gia này. Đây là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu.
		Nguồn: The Guardian
Nguồn: The Guardian

Nhiệt độ tại Hy Lạp đã lên tới 45 độ C trong nhiều ngày qua. Đám cháy lớn đã thiêu rụi nhà cửa, cơ sở kinh doanh, khói bốc lên từ đám cháy đã che khuất ánh nắng mặt trời giữa thời tiết nóng nhất mà Hy Lạp từng ghi nhận trong 30 năm qua. Cháy rừng bùng phát tại điểm nghỉ mát nổi tiếng hòn đảo Evia ở đông bắc Athens, lực lượng tuần duyên Hy Lạp đã phải tức tốc sơ tán hơn 2.000 người, đồng thời lực lượng cứu hỏa từ hơn 20 quốc gia châu Âu đang có mặt ở Evia, để giúp ngăn chặn cháy rừng đang phá hủy hàng nghìn mét vuông đất rừng và nhà cửa.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho rằng, thảm họa cháy rừng này là một phần trong chuỗi thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra. Tổng thư ký WMO Petteria Taalas tuyên bố rằng, thực tế về thảm họa biến đổi khí hậu đang diễn ra ngay trước mắt con người, đó là những dự đoán về những gì thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu và đối mặt. Mặc dù, một số thay đổi tiêu cực đã trở thành vấn đề nan giải trong hệ thống khí hậu, nhưng một số vấn đề khác vẫn có thể giải quyết nếu con người nỗ lực giảm phát thải một cách nhanh chóng và bền vững ngay từ lúc này.

Theo báo cáo của IPPC, về dài hạn nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng lên với mức tăng 1,5 độ C đủ để gây ra nhiều đợt nắng nóng, lũ lụt và hạn hán. Việc mức nhiệt tăng 2 độ C có thể khiến hệ thống nông nghiệp và y tế trên thế giới thất thủ. Ông Petteria Taalas chắc chắn rằng, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cùng hỏa hoạn ở châu Âu và khắp thế giới có liên quan tới nhau. Cái nóng khắc nghiệt mà thế giới chứng kiến trong năm 2021 là dấu ấn của tất cả hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Những ngày qua, nhiều đám cháy kinh hoàng đã bùng phát ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp giữa một đợt nắng nóng dữ dội và kéo dài. Siberia, mặc dù xưa nay gắn liền với băng vĩnh cửu, một lần nữa chứng kiến những đám cháy rừng lớn sau đợt nắng nóng bất thường, hỏa hoạn và mực băng thấp ở biển Bắc Cực năm 2020. Đây là thực tế nghiệt ngã về biến đổi khí hậu, mà thế giới càng phải nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn để nỗ lực ngăn chặn thảm họa thiên nhiên, thậm chí còn khủng khiếp hơn những gì mà con người đang chứng kiến.

Như Ý