Bảo đảm liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh

Thẩm phán liêm chính củng cố niềm tin công lý

- Thứ Năm, 25/02/2021, 05:50 - Chia sẻ
Bảo vệ công lý, quyền con người, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thẩm phán. Vì vậy, xây dựng đội ngũ thẩm phán liêm chính, khách quan sẽ củng cố niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp vào hệ thống tòa án, vào tính nghiêm minh của luật pháp. Đây là quan điểm được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại Hội thảo Phân tích so sánh cơ chế bảo đảm liêm chính tư pháp để thúc đẩy kinh doanh tại một số nước và bài học cho Việt Nam do Ban Nội chính Trung ương tổ chức.

Nguồn bổ nhiệm thẩm phán bị bó hẹp?

Trên cơ sở xác định sự kiện pháp lý, sự thật khách quan của vụ án, thẩm phán áp dụng quy định của pháp luật để phán quyết về vi phạm pháp luật, tranh chấp pháp lý và phán quyết đó làm phát sinh hậu quả đối với con người, đối với xã hội. Vì vậy, các đại biểu dự hội thảo đều cho rằng, để có được liêm chính tư pháp, rất cần xây dựng đội ngũ thẩm phán có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ cao.

Toàn cảnh Hội thảo Ảnh: Hoàng Ngọc
Toàn cảnh Hội thảo
Ảnh: Hoàng Ngọc

Hiện nay, tiêu chuẩn để được bổ nhiệm làm thẩm phán là: “Công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực; có trình độ cử nhân luật trở lên; đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử; có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật; có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Tuy nhiên, theo Luật sư điều hành Văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự Nguyễn Hưng Quang, các tiêu chuẩn “phẩm chất đạo đức tốt”, “liêm khiết” và “trung thực” hiện vẫn chưa được hướng dẫn rõ ràng. Các ứng viên có thể có được văn bản nhận xét, đánh giá, đề nghị của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đăng ký dự thi thẩm phán và văn bản nhận xét này có thể sẽ đề cập tới các tiêu chuẩn nêu trên.

Đối với tiêu chuẩn “đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử", những người được lựa chọn để trở thành thẩm phán phải trải qua một khóa đào tạo nghiệp vụ xét xử. Sau khi tốt nghiệp, ứng viên phải thi tuyển chức danh thẩm phán sơ cấp đối với ứng viên lần đầu thi tuyển làm thẩm phán. Trong yêu cầu về “chuẩn đầu ra” của Chương trình đào tạo nghiệp vụ xét xử, yêu cầu đối với người học khi kết thúc chương trình đào tạo là phải có hành xử thích hợp và thực hiện các quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp, nhưng nội dung đào tạo nghiệp vụ xét xử hiện nay lại chưa có phần đào tạo, nghiên cứu về quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán.

Như vậy, các quy định của nước ta không hạn chế việc lựa chọn người có đủ phẩm chất về đạo đức, kiến thức pháp lý để trở thành thẩm phán. Nhưng việc lựa chọn, bổ nhiệm thẩm phán từ nguồn bên ngoài hệ thống tòa án Việt Nam mới chỉ được thực hiện ở cấp thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hoặc thẩm phán là lãnh đạo của tòa án địa phương, còn việc bổ nhiệm người ngoài hệ thống tòa án khó có thể đáp ứng được yêu cầu “đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử" hoặc được xác nhận “bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý”. Dẫn chứng thực tế này, một số đại biểu đặt vấn đề, phải chăng nguồn bổ nhiệm thẩm phán đang bị bó hẹp?

Cần cơ chế giám sát thẩm phán phù hợp

Với mong muốn mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán để có thể lựa chọn được những thẩm phán có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ cho sự phát triển của hệ thống tư pháp, từ đó tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế, phân tích kinh nghiệm của Singapore, Malaysia và Đức, các đại biểu chỉ rõ: Hệ thống tòa án tại các quốc gia này đã mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán mà không giới hạn từ nguồn nhân sự của tòa án (như thư ký, cán bộ tòa án). Để có được nguồn thẩm phán với kiến thức đa dạng ở nhiều lĩnh vực, các quốc gia này cũng chọn nguồn bổ nhiệm chủ yếu từ luật sư đang hành nghề, có uy tín về đạo đức, chuyên môn cao.

Ví dụ, để có ngay được những người có kiến thức chuyên sâu và nhiều kinh nghiệm về thương mại quốc tế, Singapore ưu tiên bổ nhiệm những người từng học tập tại một số nước phát triển như Vương Quốc Anh, Australia, New Zealand hay Hoa Kỳ, hoặc cử các thẩm phán có đủ năng lực để tham gia chương trình đào tạo tại các trường luật nổi tiếng thế giới. Cơ chế lựa chọn thẩm phán từ nguồn mở rộng này có thể là bài học tốt cho nước ta để có được những thẩm phán có năng lực, trình độ cao và mẫu mực về phẩm chất đạo đức trong thời gian ngắn và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó, sẽ góp phần bảo đảm liêm chính cho hoạt động tư pháp.

Các đại biểu cũng cho biết, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của tòa án còn mang tính nguyên tắc và định hướng hành vi mà chưa có các tài liệu giải thích hoặc hướng dẫn áp dụng như các quốc gia khác. Hoạt động đào tạo, tập huấn thường xuyên về các quy tắc đạo đức và ứng xử của hệ thống tòa án nước ta chưa được áp dụng bắt buộc. Theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang, thực tiễn này đang tạo ra thách thức nhất định trong việc bảo đảm cơ chế về liêm chính tư pháp và phải sớm khắc phục thời gian tới.

Một vấn đề khác liên quan đến bảo đảm liêm chính của thẩm phán cũng được các đại biểu đặt ra, đó là thu nhập của thẩm phán. So với các quốc gia nêu trên, tỷ lệ mức lương và thu nhập của thẩm phán Việt Nam với bình quân thu nhập đầu người ở Việt Nam thấp hơn rất nhiều. Do vậy cần sớm cải cách lương và thu nhập chính đáng khác của thẩm phán theo hướng đột phá để giữ gìn tính độc lập, kiên định bảo vệ công lý và liêm chính của thẩm phán. Như kinh nghiệm tại Singapore và Đức, mức lương của thẩm phán cao hơn so các ngành khác. Trong trường hợp chưa thể thay đổi được mức lương theo hướng đột phá thì cần có cơ chế về phụ cấp thiết yếu cho thẩm phán, có thể xem xét chính sách phụ cấp/trợ cấp về nhà ở tại Maylaysia và Đức.

Cán bộ là gốc của mọi công việc. Để bảo đảm độc lập tư pháp thì ngoài phát triển năng lực đội ngũ thẩm phán, mở rộng nguồn bổ nhiệm, tăng thu nhập cho thẩm phán, theo Luật sư Nguyễn Hưng Quang, cũng cần có cơ chế giám sát và kỷ luật thẩm phán thích hợp. Ở nước ta nên thiết kế cơ chế này bảo đảm phù hợp với cấu trúc chính trị, tính hiệu quả trong hoạt động giám sát, giảm trừ tính phiến diện, hình thức.

Thẩm phán giữ vai trò trung tâm trong hệ thống tòa án. Họ luôn phải tiếp xúc trực tiếp với con người và kết quả công việc của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và cả lợi ích cộng đồng. Vì thế, một đội ngũ thẩm phán thực sự liêm chính, khách quan sẽ bảo đảm công lý được thực thi, từ đó bảo đảm niềm tin của Nhân dân, của doanh nghiệp vào hệ thống tòa án nói riêng và vào tính nghiêm minh của pháp luật nói chung. 

Anh Thảo