Thẩm tra Báo cáo đề xuất đầu tư 2 Chương trình mục tiêu quốc gia

- Thứ Hai, 14/06/2021, 15:39 - Chia sẻ
Sáng 14.6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã họp mở rộng thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội giai đoạn 2021 – 2025.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội nghị

Theo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 do đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày, việc tiếp tục xây dựng nông thôn mới nhằm phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, trong giai đoạn 2021 – 2025 cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cho khoảng 20% số xã chưa đạt chuẩn, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hỗ trợ các xã đạt chuẩn nông thôn mới thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình sau đầu tư, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp như giao thông, trường học, nước sạch, nâng cao chất lượng các tiêu chí đi vào chiều sâu bền vững... Chương trình sẽ được thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước, gồm tất cả các xã, các huyện, các thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025 do đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày. Trong đó, nêu rõ, xây dựng Chương trình là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo, an sinh xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Chương trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn… Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước, khuyến khích các địa phương vận dụng các chính sách, cơ chế giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương. Dự kiến nguồn lực thực hiện chương trình là 90.260 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương 50.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương 21.760 tỷ đồng, huy động từ các nguồn hợp pháp khác 18.500 tỷ đồng.

	Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Đánh giá báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 2 Chương trình mục tiêu quốc gia được các Bộ trình là khá cụ thể, chi tiết, song các đại biểu cũng lưu ý, việc đưa các xã vùng đặc biệt khó khăn ra khỏi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chưa hợp lý, có thể dẫn đến hệ quả là vùng dân tộc thiểu số không được đầu tư tương xứng và có nguy cơ ngày càng tụt hậu xa hơn so với sự phát triển chung của nông thôn cả nước. 

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, cần tránh tình trạng trùng lặp giữa 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhưng đồng thời cũng cần bảo đảm tính thống nhất, đan xen. Theo đó, 3 chương trình phải có cơ chế, chính sách mang tính đặc thù nhưng có thể hợp nhất một ban chỉ đạo chung chỉ đạo thực hiện, hợp nhất hệ thống thông tin, đánh giá, giám sát chung cả 3 chương trình. Riêng với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, ông Thành đề nghị, nên chú trọng tập trung phát triển sản xuất, không còn là mỗi xã một sản phẩm, mà có thể mỗi huyện một sản phẩm chủ lực, nhiều xã một sản phẩm, từ đó giải quyết được vấn đề sản xuất ở vùng miền núi, yếu tố quyết định thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Hoàng Ngọc