Thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh

- Thứ Tư, 07/10/2020, 18:00 - Chia sẻ
Ngày 7.10, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 30, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Chủ tịch UBND quận được quyết chủ trương đầu tư dự án nhóm B

Theo Tờ trình của Chính phủ, do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày, TP Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Trong quá trình phát triển, TP Hồ Chí Minh chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 quy định, chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.

Xuất phát phải từ cơ sở thực tiễn và căn cứ pháp lý nêu trên, Tờ trình của Chính phủ khẳng định, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính phủ cũng đề nghị, Nghị quyết này có tên gọi là Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, trong tên gọi không có từ “thí điểm”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Cũng theo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết quy định chính quyền địa phương ở TP Hồ Chí Minh gồm có HĐND và UBND Thành phố; chính quyền địa phương ở quận, phường là UBND quận, phường. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác trên địa bàn thành phố được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, UBND quận, phường là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Các nhiệm vụ của HĐND quận, phường được điều chuyển cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND Thành phố, UBND quận, phường, bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.

Riêng đối với nhiệm vụ về quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công, dự thảo Nghị quyết quy định giao cho Chủ tịch UBND quận (không chuyển giao nhiệm vụ này cho UBND thành phố) để bảo đảm quy định về thời gian và tiến độ thực hiện của các dự án. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND Thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh.

Để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền địa phương tại TP Hồ Chí Minh, từ ngày 1.7.2021 - là thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì Nghị quyết này cần có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021, bảo đảm có đủ thời gian để chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Do vậy, Chính phủ đề xuất, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho áp dụng xây dựng dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2020 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười tới.

Thí điểm hay thực hiện lâu dài?

Trình bày Báo cáo ý kiến nghiên cứu về dự thảo Nghị quyết của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức nêu rõ, khác với việc tổ chức chính quyền đô thị tại hai TP Hà Nội và Đà Nẵng đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại các kỳ họp trước, trong lần trình này, Chính phủ đề nghị xác định tên gọi của dự thảo Nghị quyết là Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh để áp dụng trực tiếp và lâu dài, không áp dụng thí điểm, thử nghiệm trước khi tiến hành tổng kết, đánh giá để áp dụng trên phạm vi rộng.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, khó lý giải về vấn đề này khi trong cùng thời điểm từ ngày 1.7.2021 (cũng là thời điểm hai Nghị quyết về việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Đà Nẵng có hiệu lực thi hành) lại có 3 Nghị quyết của Quốc hội quy định về tổ chức chính quyền đô thị ở 3 thành phố khác nhau, song, trong đó có 2 địa phương là thực hiện thí điểm, 1 địa phương lại không thí điểm mà thực hiện ngay.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, theo quy định tại Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội ban hành luật để quy định tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương (điểm a, khoản 1); ban hành Nghị quyết để thực hiện thí điểm một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành (điểm b khoản 2) và vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (điểm e khoản 2).

Do vậy, nếu Chính phủ đặt vấn đề không tiến hành thí điểm đối với tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh thì phải trình Quốc hội ban hành một đạo luật về vấn đề này, song song tồn tại với Luật Tổ chức chính quyền địa phương để quy định cụ thể về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Có như vậy mới bảo đảm giá trị pháp lý, hiệu lực và tính ổn định, lâu dài của quy định, cũng như tránh gây ra tình trạng không thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Với các lý do nêu trên và để bảo đảm cơ sở chính trị, tính thận trọng khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, tên gọi của dự thảo Nghị quyết này cần là dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, do đây là vấn đề lớn, hệ trọng, mang tính chính trị - xã hội sâu sắc, nên để bảo đảm tính thận trọng, thực hiện Kết luận số 74-KL/TW của Bộ Chính trị về kết quả hai năm thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dự thảo Nghị quyết này cũng cần được báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Các đại biểu tham dự phiên họp ủng hộ việc bổ sung dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Mười tới. Qua đó, góp phần hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương của TP Hồ Chí Minh, phát huy tối đa lợi thế, tạo điều kiện tốt nhất cho đầu tàu kinh tế của cả nước bứt phá hơn nữa. Tuy nhiên, các đại biểu còn có ý kiến khác nhau về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, trong đó một số ý kiến tán thành với đề nghị về tên gọi, phạm vi của dự thảo Nghị quyết như đề xuất của Chính phủ, vì các lý do được Chính phủ đưa ra và đây cũng là mong muốn của cử tri, người dân TP Hồ Chí Minh. 

Một số ý kiến tán thành đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật về việc giữ hai chữ "thí điểm" trong tên gọi của dự thảo Nghị quyết. Theo các đại biểu, việc tổ chức chính quyền đô thị ở TP Hồ Chí Minh là vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng chung của cả nước, do đó, việc thực hiện phải thận trọng là cần thiết.

Thực hiện theo hướng này, các đại biểu cho rằng, phù hợp với tinh thần Kết luận số 74 của Bộ Chính trị và có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ Mười tới, không gây chậm trễ trong triển khai mô hình chính quyền đô thị một cấp tại TP Hồ Chí Minh. Hơn nữa, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội có thể ban hành Nghị quyết quy định về vấn đề khác thuộc thẩm quyền của mình nhưng tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phải được quy định tại luật.

Cũng có ý kiến đề nghị, cần cân nhắc việc trao một số thẩm quyền cho UBND quận, phường, nhất là trong quyết định chủ trương đầu tư công; để tên gọi phù hợp tính chất, phương thức hoạt động của UBND quận, phường khi chỉ là cánh tay nối dài của UBND thành phố, không phải là một cấp ngân sách độc lập. 

P. Thủy