Thận trọng và hiệu quả

- Thứ Tư, 13/10/2021, 05:30 - Chia sẻ
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và còn lâu dài, không thể khống chế tuyệt đối, Chính phủ đã thống nhất chuyển chủ trương từ “Zero Covid-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Trong đó, chiến lược “hộ chiếu vaccine”, “thẻ xanh sức khỏe” hay “giấy chứng nhận sức khỏe số” được xem là giải pháp khả thi, từng bước mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là các ngành liên quan đến dịch vụ và du lịch.

Thực tế, tầm quan trọng của chính sách "hộ chiếu vaccine" trong chiến lược phục hồi kinh tế khi kiểm soát được dịch bệnh đã được Đảng và Nhà nước thể hiện tại nhiều văn bản quan trọng, từ Kết luận số 07 ngày 11.6.2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, cho đến các nghị quyết của Chính phủ.

Trong quá trình phát triển "hộ chiếu vaccine", một trong những nội dung trọng tâm là việc Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng bộ tiêu chí công nhận đối với "hộ chiếu vaccine" của nước ngoài để sử dụng tại Việt Nam. Đến nay, bộ tiêu chí này đã được Chính phủ thông qua và được sử dụng làm cơ sở để Việt Nam đàm phán với các quốc gia/vùng lãnh thổ về việc công nhận "hộ chiếu vaccine" lẫn nhau trên cơ sở có đi có lại.

Một yếu tố thúc đẩy Chính phủ đưa ra những quyết sách quan trọng liên quan đến "hộ chiếu vaccine" là tỷ lệ tiêm chủng trong nước đã tăng nhanh, cần có chính sách hợp lý để những người đã tiêm chủng được đi lại, làm việc hoặc tham gia các hoạt động xã hội một cách an toàn. Hơn nữa, xu hướng chung trên thế giới hiện nay là điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh, cách ly theo hướng ưu tiên người đã mang “hộ chiếu vaccine” và Việt Nam không đứng ngoài xu thế đó. Thực tế, nhiều quốc gia châu Âu đã thành công sau khi mở cửa cho khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” kèm kết quả xét nghiệm âm tính; các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã tiến hành thử nghiệm mô hình này. 

Tuy nhiên, để có thể xây dựng chiến lược "hộ chiếu vaccine" an toàn, hiệu quả còn rất nhiều việc phải làm. Bởi có một thực tế là hiện nay vẫn chưa có mẫu "hộ chiếu vaccine" thống nhất trên toàn quốc, được cấp bằng phần mềm trên môi trường điện tử; chưa có bản giấy, mang mã xác thực điện tử phù hợp với chuẩn quốc tế. Việc triển khai công nhận "hộ chiếu vaccine" nước ngoài trên thực tế gặp một số khó khăn, nhất là việc xác thực đối với "hộ chiếu vaccine", vì đã có trường hợp làm giả "hộ chiếu vaccine" trên thế giới.

Do đó, cùng với việc ứng dụng triệt để, sử dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ chế xác thực hộ chiếu vaccine của nước ngoài và Việt Nam, cần xây dựng mẫu "hộ chiếu vaccine" chính thức của Việt Nam cũng như cơ chế xác thực trên nền tảng đồng bộ và thống nhất. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của các cơ quan liên quan, trong đó có cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan an ninh hàng không, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu về việc kiểm tra và xác thực các loại giấy tờ này. 

Covid-19 là cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ, các chính sách, chiến lược được đưa ra cần có thời gian để kiểm chứng tác động, hiệu quả. Do đó, triển khai "hộ chiếu vaccine" không đồng nghĩa với việc mở cửa chính sách nhập cảnh như trước đại dịch, mà cần tiến hành từng bước, thận trọng; đối tượng nhập cảnh được xem xét mở rộng dần dần, thí điểm ở một số địa phương và sau khi bảo đảm an toàn thì mở rộng ra các địa phương khác. Đơn cử như thí điểm đón khách du lịch mang "hộ chiếu vaccine" vào Vân Đồn, Phú Quốc hay một số điểm du lịch an toàn trong thời gian tới. Đây sẽ là “bước đi đầu tiên” của du lịch Việt Nam trong tiến trình phục hồi sau những tổn thất nặng nề do dịch Covid-19.

Mặc dù còn không ít băn khoăn về việc công nhận "hộ chiếu vaccine", song, nói như nhiều chuyên gia, một trong những tiêu chí để công nhận "hộ chiếu vaccine" nước ngoài là giấy tờ đó được cấp bởi quốc gia/vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, tỷ lệ tiêm chủng rộng rãi. Khi đất nước/vùng lãnh thổ không còn an toàn đối với dịch bệnh thì có thể xem xét dừng hoặc tạm dừng việc công nhận "hộ chiếu vaccine". Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro, nguy cơ phát tán ca bệnh trong cộng đồng, vẫn cần phải thực hiện nghiêm khâu theo dõi y tế đối với người nhập cảnh, trong đó có việc theo dõi y tế tại địa phương sau cách ly tập trung, triển khai các thiết bị truy vết, xét nghiệm và thực hiện yêu cầu 5K, 5T của Bộ Y tế. 

Đỗ Quyên