Thảo luận các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Thẳng thắn, sôi nổi và trách nhiệm

- Thứ Sáu, 29/01/2021, 07:16 - Chia sẻ
Trao đổi với báo chí bên lề ngày làm việc chính thức thứ ba của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các đại biểu đánh giá không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm; các tham luận được chuẩn bị chu đáo, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là những đột phá chiến lược đã được nêu trong Báo cáo chính trị. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ về các nội dung tâm đắc được đề cập trong các văn kiện trình Đại hội và quyết tâm thực hiện các mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang: Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại

Không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Các bài tham luận đều bám sát và làm rõ thêm các nội dung cô đọng được thể hiện trong Báo cáo chính trị.

Nội dung trong Báo cáo chính trị về chăm lo, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, nhà ở và phúc lợi xã hội cho người lao động đã thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với giai cấp công nhân. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có nhiều khu nhà tập trung cho công nhân khiến người lao động vẫn phải chịu chi phí về điện, giá thuê nhà đắt đỏ. Do vậy, từng bước phải có kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Điều này trong Báo cáo chính trị đã được đề cập tới, đòi hỏi chính quyền các địa phương phải có quy hoạch để xây dựng các khu nhà trọ cho công nhân, người lao động. Tổ chức Công đoàn cần tham gia, định hướng trong việc xây dựng các thiết chế công đoàn, văn hóa, bảo đảm cho công nhân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Báo cáo chính trị cũng đã nêu rõ: Xây dựng, đổi mới tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn đáp ứng với cơ cấu lao động, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động; định hướng quản lý tốt hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại các doanh nghiệp. Đây là một điểm rất mới, thể hiện sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam khi chấp nhận sự ra đời của một tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh tổ chức Công đoàn. Trong thời gian tới, tổ chức Công đoàn sẽ bám sát, phối hợp với chính quyền các cấp để vận động thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp mới thành lập. Từ đó, phát triển đoàn viên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định...

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đã diễn ra trên khắp thế giới và tại Việt Nam. Chính vì vậy, thời gian này cần phải xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, hiện đại, thích ứng với yêu cầu của thực tiễn. Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư chính là thể hiện vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam; bảo đảm cho giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, hiện đại.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường: Chọn đúng cán bộ thì Nhân dân được nhờ, đất nước phát triển

Nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta hết sức chú trọng công tác cán bộ. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản, quy định về công tác cán bộ, từ việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh. Từ những chức danh cao nhất như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho đến các chức danh khác đều được cụ thể hóa bằng tiêu chuẩn chức danh. Chúng ta đã làm quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, trước đây chưa được thực hiện như vậy. Quy trình công tác cán bộ làm 5 bước rất chặt chẽ. Lần đầu tiên chúng ta có quy định về chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Hàng loạt quy định liên quan đến công tác cán bộ đã được triển khai thực hiện đồng bộ, bài bản, nhờ đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đối với Đắk Lắk, chúng tôi đã cụ thể hóa những quy định này của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bên cạnh đó, chúng tôi đổi mới công tác đánh giá cán bộ, theo tinh thần như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Nếu chúng ta chọn đúng cán bộ thì Nhân dân được nhờ, cách mạng và đất nước phát triển. Tương tự như vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu: Tìm người tài, không tìm người nhà. Theo đó, ngoài việc đánh giá qua hồ sơ, qua quá trình công tác, qua đạo đức, phẩm chất, công tác đánh giá cán bộ của tỉnh Đắk Lắk còn lấy hiệu quả đóng góp của cán bộ cho ngành, lĩnh vực và địa phương trên mỗi vai trò, vị trí công tác làm thước đo, qua đó đã tạo ra hiệu ứng rất tốt, xem xét kỹ lưỡng để góp phần chọn được người thực tài, có phẩm chất, năng lực. 

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Trung Nhân: Khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám

Nghiên cứu các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tôi thấy có rất nhiều điểm tâm đắc. Trong đó, tôi có niềm tin vào sự quyết tâm trong phòng, chống tham nhũng của Đảng. Với quyết tâm chính trị rất cao, thời gian qua, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, toàn diện để công tác phòng, chống tham nhũng đi vào chiều sâu với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nhiều vụ việc, vụ án đã được xác minh làm rõ và xử lý rất nghiêm khắc, bất kể đó là ai. Trên cơ sở đó, trong dự thảo Báo cáo Chính trị lần này đã khẳng định, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm, qua đó góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Mặt khác, trong giải pháp về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng đề ra giải pháp khuyến khích và bảo vệ cán bộ thực hiện “6 dám”. Trước đây, chúng ta thường nói đến “3 dám” là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thì tại Báo cáo Chính trị lần này, Đảng khuyến khích và có giải pháp để bảo vệ những cán bộ dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với những khó khăn, thử thách. Dám nói ở đây là nói thẳng, nói thật, nói đúng, không cần nói nhiều, quan trọng nói là phải làm. Đặc biệt là dám đương đầu, dám đột phá - đây là vấn đề mới, vấn đề khó, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết, như trong Báo cáo Chính trị đã nêu là chưa đồng bộ, thậm chí có chồng chéo, có những lĩnh vực, vấn đề mới phát sinh nhưng pháp luật chưa kịp điều chỉnh.

Trong điều kiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nước ta hiện nay rất quyết liệt, có một bộ phận nhỏ cán bộ có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ của mình. Chính vì vậy, trong dự thảo Báo cáo Chính trị lần này đặt ra “6 dám” là “liều thuốc” rất kịp thời, giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chính từ những chủ trương này, tôi nghĩ tới đây, Đảng, Nhà nước sẽ có những quy định rất cụ thể, rất thiết thực để bảo vệ những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, vì nước, vì dân. Có như vậy, việc thực hiện đạt các mục tiêu như Nghị quyết Đại hội XIII đề ra là hoàn toàn khả thi.

Quỳnh Chi ghi