Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Hòa Bình Khóa XVII

Thẳng thắn, trách nhiệm

- Thứ Bảy, 25/12/2021, 06:50 - Chia sẻ
Dưới sự điều hành linh hoạt của chủ tọa và tinh thần thẳng thắn của các đại biểu, nhiều vấn đề "nóng" đã được nghiêm túc tiếp thu, làm rõ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Hòa Bình Khóa XVII, trong đó có tình trạng chậm tiến độ một số tuyến đường trên địa bàn TP. Hòa Bình; việc giải quyết tranh chấp đất đai vùng tiếp giáp với các tỉnh lân cận hay giải pháp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân thuộc dự án Trung tâm thương mại - dịch vụ bờ trái sông Đà.

Bảo đảm tiến độ cho nhà đầu tư, quyền lợi của người dân

Tại phiên chất vấn, đại biểu Quách Đình Minh đề nghị tỉnh sớm giải quyết việc tranh chấp đất đai khu vực suối Thường (xóm Diều Noi, xã Tân Minh, Đà Bắc) tiếp giáp với xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ với tổng diện tích 179,6ha. Theo phản ánh của cử tri, đất khu vực này được Nhà nước giao cho Công ty Cổ phần lâm nghiệp Hòa Bình quản lý, sử dụng từ năm 1978; 30 hộ dân xóm Diều Nọi đã canh tác, sử dụng ổn định đất từ năm 1980 đến nay. Tuy nhiên, theo Nghị định số 119-CP ngày 16.9.1994 của Chính phủ (kèm theo bản đồ 364), toàn bộ diện tích trên không còn nằm trên bản đồ địa chính của tỉnh Hòa Bình mà thuộc địa phận xã Yên Sơn (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ). Do đó, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp Ảnh: T. Tâm
Đại biểu chất vấn tại kỳ họp
Ảnh: T. Tâm

Trả lời chất vấn nội dung này, Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Mai Sơn cho biết: Ngày 28.9.2020, UBND xã Yên Sơn (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) và UBND xã Tân Minh (huyện Đà Bắc) đã thống nhất việc đối chiếu bản đồ địa chính hành chính 2 xã. Bản đồ địa chính xã Yên Sơn không điều chỉnh lại địa giới, có dấu và chữ ký của ông Đinh Xuân Cải (nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Sơn) như của xã Tân Minh. Do vậy, các điều kiện, hồ sơ pháp lý để đề nghị thỏa thuận điều chỉnh địa giới hành chính chưa đủ cơ sở, căn cứ. Sở Nội vụ đã đề nghị UBND huyện Đà Bắc chỉ đạo UBND xã Tân Minh quản lý dân cư trong khu vực theo quy định; phối hợp UBND huyện Thanh Sơn đối chiếu bản đồ hành chính quản lý tại cấp huyện về việc tự vạch, vẽ điều chỉnh trên bản đồ 364 có dấu và chữ ký của nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Sơn Đinh Xuân Cải.

Làm rõ nguyên nhân vướng mắc trong quá trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân thuộc Dự án Trung tâm thương mại - dịch vụ bờ trái sông Đà (TP. Hòa Bình), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trần Anh cho biết: Dự án được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật năm 2009. Năm 2011, Công ty TNHH đầu tư và xây dựng thương mại Mỹ Phong trúng đấu giá, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích trúng đấu giá. Sau đó, công ty thực hiện dự án khu dân cư, phân lô, chuyển nhượng cho các hộ có nhu cầu và đáp ứng đủ các điều kiện theo Điều 72, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15.5.2014. Tuy nhiên, sau đó áp dụng Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18.12.2020 của Chính phủ (trong đó, sửa đổi Điều 72 của Nghị định số 43) yêu cầu có thêm một văn bản bổ sung vào hồ sơ. Vì vậy, quá trình tiếp nhận hồ sơ, Sở đã dừng làm thủ tục và đề nghị chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

“Sở vẫn đồng ý giải quyết hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đang sinh sống tại khu dân cư thuộc Dự án của Công ty Mỹ Phong. Đồng thời, đề nghị Sở Xây dựng vào cuộc kịp thời để bảo đảm tiến độ cho nhà đầu tư cũng như quyền lợi của người dân sinh sống trong khu vực”, ông Nguyễn Trần Anh cho biết.

Khẩn trương thi công đoạn còn lại đường Hoàng Văn Thụ 

Trước tình trạng đường Hoàng Văn Thụ nối từ Trường chuyên Hoàng Văn Thụ tới khu chuyên gia thuộc bờ trái sông Đà (TP. Hòa Bình) được tỉnh và TP. Hòa Bình đầu tư nâng cấp mở rộng, đến nay mới hoàn thành hai điểm đầu đường, đơn vị thi công đã rút đi từ lâu, nhiều đại biểu đề nghị: UBND tỉnh sớm thực hiện xong đoạn đường trên để trả lại mỹ quan đô thị và bảo đảm an toàn giao thông.

Trước yêu cầu của đại biểu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bùi Đức Hậu cho biết: Dự án nâng cấp, cải tạo đường Hoàng Văn được phê duyệt chủ trương đầu tư và đã triển khai thi công đến tháng 2.2019. Thời điểm này đã giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 800/1.105m chiều dài và cơ bản hoàn thành các hạng mục trên đoạn này. Đoạn còn lại khoảng 300m chưa thể thi công xây dựng do chưa GPMB, do chi phí GPMB tăng cao, làm vượt tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Ngày 26.10.2021, UBND tỉnh có Tờ trình số 180/TTr-UBND trình HĐND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. HĐND tỉnh đã xem xét phê duyệt điều chỉnh tại kỳ họp cuối năm 2021. “Theo phân cấp quản lý, tuyến đường thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở Xây dựng. "Với trách nhiệm của mình, Sở đã phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Sau khi được HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Sở tiếp tục phối hợp Sở Xây dựng, UBND TP. Hòa Bình triển khai dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, mỹ quan đô thị", Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết.

Giải trình thêm những ý kiến còn khác nhau trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo sát sao những công trình giao thông trọng điểm, thực hiện kết nối vùng để thu hút đầu tư. Trọng tâm là tập trung giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, GPMB. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt để tập trung thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nghị quyết đề ra và đạt được "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Trần Tâm