Thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Hà Nam Khóa XIX

Thẳng thắn vì lợi ích cử tri, nhân dân

- Thứ Tư, 22/12/2021, 06:29 - Chia sẻ
Với 35 lượt phát biểu thẳng thắn, sôi nổi, phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Hà Nam Khóa XIX đã tập trung phân tích tình hình kinh tế - xã hội năm 2021; bàn giải pháp hướng tới tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025; đề xuất phương án xử lý những bất cập, cấp thiết liên quan đến đời sống người dân...
	Đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại hội trường
Đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại hội trường
Ảnh: Tường Vy

Đề xuất các giải pháp toàn diện, trọng tâm

Theo đánh giá của UBND tỉnh Hà Nam, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, kinh tế của tỉnh vẫn giữ được sự ổn định với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng so với cùng kỳ. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện hiệu quả. Đồng tình với đánh giá của UBND tỉnh, song theo các đại biểu: Con số tăng trưởng 8,85% chưa đạt kế hoạch đề ra dù hết sức đáng ghi nhận trong điều kiện chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Năm 2022, UBND tỉnh dự kiến mức tăng trưởng đạt 9,8% so với ước thực hiện năm 2021. Để đạt được mức tăng trưởng bình quân 5 năm tăng từ 10%/năm như mục tiêu đã đề ra sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu như: Số bác sĩ/vạn dân, số giường bệnh/vạn dân; chỉ tiêu xuất khẩu lao động; tỷ lệ đô thị hóa; chỉ tiêu tỷ lệ dân số có bảo hiểm y tế… có kết quả thực hiện năm 2021 và nhiệm vụ năm 2022 đề ra còn thấp so với mục tiêu nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Các đại biểu đã phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp toàn diện, trọng tâm cần tập trung thực hiện để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025. Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Phạm Văn Tạo, UBND tỉnh cần tập trung các nguồn lực thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, có tính liên kết vùng được triển khai hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực tại địa phương. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, gắn với chủ trương phát triển bền vững của tỉnh. Bên cạnh đó, sớm trình cấp có thẩm quyền quyết định phân cấp quản lý kinh tế - xã hội gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, làm cơ sở để các cấp, các ngành nâng cao tính chủ động khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2022 cũng như giai đoạn 2021 - 2025, các đại biểu đề nghị, UBND tỉnh sớm ban hành chương trình phát triển đô thị, nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, cần gắn phát triển các khu đô thị với các giải pháp thu hút dân số; bảo đảm diện tích lấp đầy, phát huy hiệu quả đầu tư các khu đô thị, khu dân cư. Bên cạnh đó, tăng cường giải pháp đột phá, quyết liệt nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp; sớm ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp làm cơ sở thực hiện nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XX về nông nghiệp, bảo đảm phát huy hiệu quả, gắn với công tác quy hoạch, định hướng phát triển và bảo vệ môi trường.

Bám sát các vấn đề cử tri quan tâm

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh có phương án khắc phục, giải quyết các vấn đề “nóng” đang được cử tri và nhân dân quan tâm. Điển hình như: Vấn đề nước sạch; ô nhiễm môi trường; các dự án chậm tiến độ; việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19…

Cụ thể, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các dự án cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh, như: Dự án cấp nước sạch cho xã Liêm Sơn và Thanh Tâm; Nhà máy nước sạch sông Hồng... Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về cung cấp nước sạch, nhất là nước sạch nông thôn. Đồng thời, có giải pháp cho các nhà máy nước sạch được sử dụng nguồn nước đầu vào từ sông Hồng để bảo đảm chất lượng.

Đối với lĩnh vực môi trường, nhiều ý kiến nêu thực tế, tình trạng vi phạm vẫn chậm được khắc phục, xử lý, nhất là vi phạm môi trường khu vực Tây Đáy, gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm do hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển vật liệu xây dựng, xả thải của một số nhà máy tại các cụm công nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên. Đề nghị UBND tăng cường thanh tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, công tác bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động trực tiếp là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tạo điều kiện nâng cấp trang thiết bị y tế cho các trạm y tế cơ sở; sớm triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (tiếp cận gói vay hỗ trợ lãi suất 0% của Ngân hàng Chính sách xã hội; giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp...). Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường học, đặc biệt chú ý bảo đảm diện tích đất tối thiểu, cải tạo các khu vệ sinh trường học và các cơ sở vật chất thiết yếu theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Đào Cảnh