Dư âm Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV

Thành công, đồng hành và trách nhiệm

- Thứ Hai, 23/11/2020, 08:11 - Chia sẻ
Theo ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN (TP Hồ Chí Minh), Kỳ họp thứ Mười là kỳ họp rất thành công, thể hiện rõ nét tinh thần đồng hành và trách nhiệm giữa Quốc hội và Chính phủ đưa đất nước vượt khó, tạo ra bức tranh kinh tế - xã hội sáng trong bối cảnh ảm đạm vì dịch Covid-19. Quốc hội cũng luôn tôn trọng, dân chủ, lắng nghe ý kiến các đại biểu Quốc hội. Khi có những dự án luật chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất trong Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội ngay từ lần đầu tiên cho ý kiến về dự án luật.

Khẳng định nỗ lực vượt khó

Thưa ông, qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến khẳng định, Kỳ họp thứ Mười là kỳ họp thành công, dân chủ và trách nhiệm. Kỳ họp tiếp tục tổng kết và đúc rút bài học kinh nghiệm đoàn kết, đồng lòng là nhân tố quyết định, giúp đất nước ta vượt qua đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ. Ông đánh giá thế nào về kỳ họp này?

Ảnh: H.Ngọc

- Năm 2020 là năm gần cuối nhiệm kỳ nhưng có nhiều biến động, khó khăn, nhất là những thách thức từ dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến KT - XH, ngân sách nhà nước. Song với sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chính quyền các cấp đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó, tăng cường quản lý thu, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết; kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất, an sinh xã hội, miễn, giảm, giãn thuế, phí, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động… Thông qua những kết quả đạt được, cử tri vui mừng cho rằng, những nỗ lực này đã góp phần quan trọng trong khống chế, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống Nhân dân. Đồng thời cử tri cũng khẳng định Đảng, Nhà nước ta đã vượt khó vươn lên, đem lại “bức tranh sáng” trong bầu trời ảm đạm vì Covid-19. 

Cũng tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án luật, góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng... Các ý kiến đóng góp, thảo luận đều rất thẳng thắn, trách nhiệm. Khi có những dự án luật chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất trong Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ động lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội ngay từ lần đầu tiên cho ý kiến về dự án luật. Điều này thể hiện sự dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Kỳ họp thứ Mười rất đặc biệt khi Quốc hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII, thưa ông?

- Đây là phiên chất vấn mang tính chất tổng kết nhiệm kỳ, không giới hạn nội dung câu hỏi chất vấn, người trả lời chất vấn. Các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu rất kỹ tài liệu, hỏi nhanh, ngắn gọn, rõ ý. Các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn rất thẳng thắn, súc tích với sự nghiêm túc, cầu thị cao, không né tránh, vòng vo. Việc tranh luận với các lập luận chặt chẽ, sắc sảo, có tính thuyết phục và xây dựng cao giữa đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ đã thể hiện tinh thần Quốc hội cùng đồng hành với Chính phủ để đưa ra các định hướng, giải pháp xử lý các vấn đề đặt ra. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Điều này cho thấy, không chỉ là người "cầm trịch", điều hành phiên chất vấn một cách linh hoạt, Chủ tịch Quốc hội còn sẵn sàng đặt mình vào vị trí của người trả lời chất vấn để đưa ra câu trả lời rất súc tích, thuyết phục, làm hài lòng các đại biểu Quốc hội.

Nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền đô thị

- Tại Kỳ họp thứ Mười, với 87,14% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Ông đánh giá như thế nào về nghị quyết này?

- Với sự đồng thuận, ủng hộ cao của các đại biểu Quốc hội, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển KT - XH, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền thành phố trong giai đoạn phát triển mới. Nghị quyết gồm 11 điều quy định chính quyền địa phương ở TP Hồ Chí Minh gồm có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân; chính quyền địa phương ở quận, ở phường là Ủy ban Nhân dân hoạt động với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của nghị quyết và theo phân cấp, ủy quyền của chính quyền cấp trên. Chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác (chính quyền cấp huyện, xã) thuộc thành phố vẫn tiếp tục thực hiện như Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành. Nghị quyết cũng đề cập đến việc tổ chức mô hình cấp chính quyền thành phố trong thành phố, đề cấp đến chức năng, nhiệm vụ của HĐND, Chủ tịch UBND của thành phố trong TP Hồ Chí Minh. 

- Một số ý kiến bày tỏ lo ngại, việc chính quyền địa phương ở quận, phường chỉ còn Ủy ban Nhân dân thì TP Hồ Chí Minh sẽ phát huy vai trò dân chủ trực tiếp ở cơ sở như thế nào, thưa ông?

- Đặc điểm của TP Hồ Chí Minh là có ranh giới giữa các phường, quận không rõ ràng. Thậm chí chỉ một bước chân là sang quận, phường khác, nên việc phản ánh tiếng nói của người dân đến lãnh đạo thành phố là rất gần. Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học, công nghệ 4.0, chúng ta hướng tới xây dựng đô thị thông minh, cùng với điện thoại thông minh, người dân có thể kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc đến lãnh đạo thành phố. TP Hồ Chí Minh cũng đang gấp rút triển khai chuyển đổi số, thực hiện chính quyền điện tử, xã hội số, kinh tế số, cho nên việc không tổ chức HĐND ở quận, phường không phải là vấn đề khó khăn. TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo các đơn vị hành chính (lãnh đạo quận, phường) với người dân, tổ chức nhằm phát huy hơn nữa vai trò kiểm tra, giám sát của người dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sự vào cuộc của các cơ quan báo chí trong phản ánh thông tin, đời sống người dân thành phố, nên chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho thành phố, vì vậy không có quá nhiều thách thức đặt ra. 

Vấn đề là phải triển khai Nghị quyết đi vào cuộc sống như thế nào? Tôi cho rằng, chúng ta phải hành động ngay, vì ngày 23.5.2021 tới đây, chúng ta sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, do vậy, phải tiến hành tổ chức, sắp xếp bộ máy, cán bộ cho hợp lý. Phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Chủ tịch UBND thành phố cho Chủ tịch UBND các quận, huyện, đặt trong bối cảnh chính quyền địa phương quận là đơn vị hành chính, là Ủy ban hành chính nên việc phân cấp phải hết sức cụ thể.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện