Thành công không nhờ may mắn

- Thứ Ba, 06/07/2021, 06:24 - Chia sẻ
Có thể thấy, chưa có thời điểm nào giá cả và tình hình tiêu thụ vải thiều lại nhận được sự quan tâm lớn như mùa vải năm nay. Và có lẽ, cũng chưa năm nào, chính quyền và người dân Bắc Giang lại thấy vụ vải thành công vượt dự kiến như năm nay, khi vừa phải căng mình chống chọi với dịch Covid-19 vừa hoàn thành việc tiêu thụ hơn 90% tổng sản lượng vải thiều với giá có lãi.

“Tiêu thụ tốt cả trong nước và xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp là kết quả ngoài sức tưởng tượng”, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vui mừng thông báo. Còn ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết: “Chúng tôi cũng không gặp khó khăn ở bất cứ khâu nào. Tổng hòa lại thì đây mà một vụ vải đại thành công”.

Câu chuyện vải thiều Bắc Giang tiêu thụ thành công trên 210.000 tấn vải cho thấy thực tế nếu quyết tâm thì không gì là không thể. Bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã khiến Bắc Giang phải đóng cửa tạm thời 6 khu công nghiệp, hàng trăm nghìn công nhân phải nghỉ việc, cách ly, dịch bệnh lan ra tất cả các đơn vị hành chính thuộc tỉnh. Chống dịch thôi tưởng như đã là quá sức, ấy vậy mà Bắc Giang đã hành động để quả vải đi xa hơn: Mở rộng thị trường phía Nam, đổi mới kênh bán hàng, được bán cả ở 6 sàn thương mại điện tử, xuất khẩu đường bộ thuận lợi, được bảo hộ tại 8 quốc gia...

Theo thống kê của Sở Công thương Bắc Giang, nếu tính riêng doanh thu từ vải thiều, con số ước tính là 4.166 tỷ đồng. Doanh thu từ dịch vụ phụ trợ ước đạt 2.482 tỷ đồng. Dù chưa hết mùa nhưng giá trị của vải và phụ liệu theo vải đã đạt gần 6.700 tỷ đồng, kết thúc vụ chắc chắn trên 6.800 tỷ đồng. Thành công đó không phải đến từ sự may mắn mà là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về các kịch bản tiêu thụ vải thiều, rõ ràng cho từng tình huống. Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, chắc rằng vải thiều cũng như nông sản Bắc Giang khó mà vượt ra khỏi ranh giới tỉnh này.

Đặc biệt, ngoài sự nỗ lực của Bắc Giang, còn là sự hỗ trợ của Trung ương, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và sự ủng hộ tích cực của người dân cả nước, vải thiều Bắc Giang không ngừng mở rộng thị trường. Trong nước, vải thiều đã vươn đến các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, miền Trung... mà những vụ trước hiếm có. Với xuất khẩu, ngoài thị trường truyền thống (Trung Quốc), năm nay vải thiều đã chinh phục thành công nhiều thị trường khó tính và các thị trường mới. Quả vải đã vượt qua những kỳ sát hạch ngặt nghèo về quy định an toàn phòng dịch, quy định an toàn vệ sinh thực phẩm để lên kệ những siêu thị khó tính tại các thị trường khác nhau.

Trong đại dịch, quả vải vẫn được phân phối, tiêu thụ ổn định chính là cơ sở để khẳng định rằng, nếu sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý thì tất yếu sẽ tìm được thị trường tiêu thụ bền vững. Chính vì vậy, dù ủng hộ mọi hình thức hỗ trợ người dân tiêu thụ vải, nhưng Bắc Giang khẳng định không phải theo cách bán đổ bán tháo dưới cái mác “giải cứu”. Điều mà địa phương này muốn hướng tới là dù trong hoàn cảnh nào thì giá trị của nông sản phải được nâng niu, đến tay người tiêu dùng một cách trọn vẹn, tươi ngon, đàng hoàng nhất. Đó cũng là cách tôn trọng sản phẩm, công sức của người nông dân.

Cái khó không bó được cái khôn. Việc tiêu thụ thuận lợi, nông dân có lãi đã ghi dấu ấn một mùa vải “rất nóng vì dịch bệnh Covid-19 nhưng sẽ ngọt ngào với người nông dân” như Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định. Có thể nói, Bắc Giang xứng đáng là mô hình để các địa phương có những vùng chuyên canh nông sản, sản phẩm OCOP học tập.

Trung Hiếu